Bạn đọc

Huyện Hoài Đức: Vì sao chưa giao đất cho người trúng đấu giá?

Thiện Mỹ 09/10/2023 - 07:05

Một số địa phương ở huyện Hoài Đức thời gian qua dù đã tổ chức xong các phiên đấu giá đất nông nghiệp công ích, nhưng lại chưa thể giao được đất cho người trúng đấu giá.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, đây chỉ là một trong số nhiều bất cập đang tồn tại cần được cơ quan chức năng sớm quan tâm tháo gỡ để gia tăng giá trị quỹ đất này ở địa phương.

dat-nong-nghiep.jpg
Đất nông nghiệp công ích tại khu Trệ Sông, Bè Vó (xã Cát Quế) chưa được giao cho người trúng đấu giá.

Chưa giao đất đấu giá vì vướng... tiền thuê đất

Khu ruộng nằm ven bờ sông Đáy, thuộc khu Trệ Sông, Bè Vó là diện tích đất nông nghiệp công ích rộng hơn 6.000m2 mà anh Nguyễn Công Anh (thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế) đã trúng đấu giá từ tháng 5-2022. Dù việc đấu giá thực hiện đúng quy định, nhưng đến nay anh Nguyễn Công Anh vẫn chưa được giao đất.

“Vì đã đặt cọc tiền đấu giá và là người trúng đấu giá nên tuy chưa được giao đất, nhưng gia đình tôi vẫn tranh thủ trồng hoa và cây ngắn ngày. Mong chính quyền sở tại sớm giao đất để chúng tôi ổn định canh tác và có kế hoạch đầu tư vào sản xuất”, anh Nguyễn Công Anh bày tỏ.

Theo số liệu của UBND xã Cát Quế, tổng diện tích đất nông nghiệp công ích của toàn xã là 16,59ha. Trước đây, diện tích này được xã ký hợp đồng cho các hộ dân thuê thầu sản xuất nông nghiệp. Thực hiện quy định của Luật Đất đai, UBND xã đã thanh lý toàn bộ hợp đồng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo đó, năm 2021, xã đã lập hồ sơ đấu giá với 22 vị trí, diện tích 6,28ha và đã được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất. Tháng 5-2022, việc đấu giá đã hoàn tất và được UBND huyện công nhận kết quả trúng đấu giá với 19 vị trí, diện tích là 5,76ha. Tuy nhiên, đến nay, UBND xã Cát Quế chưa tổ chức giao đất cho người trúng đấu giá do vướng mắc về nội dung nộp tiền thuê đất cho người trúng đấu giá.

“Theo quy định, cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo thuế để người trúng đấu giá nộp tiền, sau đó giao đất ngoài thực địa. Điều này đồng nghĩa, tiền trúng đấu giá sẽ nộp vào ngân sách huyện, làm ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị cho phép để lại nguồn thu này cho xã, nhưng chưa có hướng tháo gỡ”, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế Phạm Luyện thông tin.

Tương tự, xã Vân Côn có 17,4ha đất nông nghiệp công ích. Thực hiện Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 3-6-2022 của UBND thành phố Hà Nội (sửa đổi, bổ sung một số điều của bản quy định ban hành kèm theo Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 18-11-2020 của UBND thành phố về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố Hà Nội), xã Vân Côn đã tiến hành các thủ tục liên quan. Đầu năm 2023, việc đấu giá đã hoàn tất với 12 thửa đất, diện tích là 6,1ha. Tuy nhiên, UBND huyện Hoài Đức chưa phê duyệt kết quả đấu giá nên xã chưa giao đất cho người trúng đấu giá. “Do một số vướng mắc nên tính đến tháng 8-2023, xã thu tiền cho thuê đất nông nghiệp công ích mới được hơn 42 triệu đồng/170 triệu đồng kế hoạch huyện giao, đạt 25% kế hoạch năm”, Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn cho biết.

Cần rà soát để tháo gỡ tồn tại

Giải thích rõ hơn việc chưa giao được đất cho người trúng đấu giá, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Nguyễn Duy Giang cho hay, theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế thì cơ quan thuế là đơn vị duy nhất được ban hành thông báo thuế đến người trúng đấu giá. Như vậy, tiền trúng đấu giá sẽ nộp về ngân sách huyện, trong khi các xã đang kiến nghị được để lại ngân sách xã.

Về vấn đề này, các phòng, ban chuyên môn của huyện đang xin ý kiến ngành chức năng.

Ngoài vướng mắc nêu trên, một dạng tồn tại phổ biến khác ở hầu hết các địa phương là các thửa đất nông nghiệp công ích phần lớn đều nhỏ lẻ, manh mún. Thậm chí, nhiều diện tích đất nông nghiệp công ích của xã Cát Quế còn nằm xen kẹt trong đất vườn của người dân, nên khó có thể quản lý được toàn diện.

Trong khi đó, Điều 132, Luật Đất đai quy định, quỹ đất này được sử dụng vào các mục đích: Xây dựng công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, y tế, giáo dục...; bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng công trình công cộng... Song, với thực trạng của quỹ đất nông nghiệp công ích hiện tại thì thật khó có thể áp dụng quy định trên vào thực tiễn. Chưa kể, quỹ đất này chỉ cho thuê trong 5 năm, nên không khuyến khích được người thuê đầu tư lớn vào sản xuất, khiến giá trị và hiệu quả sử dụng đất chưa cao...

Nhằm phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp công ích trên địa bàn huyện Hoài Đức nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, đề nghị cấp thẩm quyền rà soát, củng cố hệ thống hồ sơ địa chính, tháo gỡ các tồn tại và tập trung tạo quỹ đất lớn nhằm gia tăng giá trị cho loại đất này; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia đấu giá đất từ quỹ đất công ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hoài Đức: Vì sao chưa giao đất cho người trúng đấu giá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.