Sáng 8-8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về phương án phát triển ngành và nguyên tắc, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị tư vấn trình bày báo cáo tóm tắt về hiện trạng và biến động sử dụng đất; bảo vệ môi trường; khai thác sử dụng tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Từ những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, các đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án phát triển từng lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường. Trong lĩnh vực đất đai, đã đưa phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Riêng với quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn có khả năng tạo sự tăng trưởng nhanh; bảo đảm ổn định diện tích đất trồng lúa, duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng và sản xuất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt; hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đổi đất nông nghiệp trồng hai vụ lúa sang phát triển các khu công nghiệp, sân golf, các khu đô thị…
Đối với phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chỉ tiêu cụ thể đến 2030, 100% loài đặc hữu, quý, hiếm có giá trị khoa học và kinh tế của Thủ đô được đưa vào bảo tồn hiệu quả tại các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng. 100% diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất ngập nước quan trọng và các hệ sinh thái đặc trưng trên toàn địa bàn được đưa vào chiến lược khai thác và bảo tồn ở các cấp độ khác nhau.
Về phương án bảo vệ môi trường Thủ đô, đơn vị tư vấn đề xuất mục tiêu đến năm 2030 ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường; chủ động phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất, không khí…
Phát biểu đóng góp ý kiến, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng các giải pháp đặt ra phải tạo điểm nhấn cho môi trường Thủ đô về không khí sạch, nước sạch, không ùn ứ rác thải... Thực hiện được nhiệm vụ này cũng là cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.
“Có giải quyết được những tồn tại về môi trường thì Hà Nội mới thu hút được khách du lịch, mới thực sự trở thành điểm đến, là thành phố đáng sống…” TS Hoàng Dương Tùng nêu.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá các báo cáo định hướng do đơn vị tư vấn thực hiện khá chi tiết nhưng chưa làm rõ Hà Nội sẽ bố trí không gian như thế nào cho các lĩnh vực này; chưa thấy rõ các yếu tố xây dựng thành phố xanh, hiện đại... Do đó, đơn vị tư vấn cần đánh giá rõ hiện trạng, nhất là hiện trạng về đất đai, để từ đó có phương án bố trí không gian cho từng lĩnh vực phát triển.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận các đơn vị tư vấn đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng; các chuyên gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện trăn trở trước những vấn đề lớn của thành phố liên quan đến công tác đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường...
Phó Chủ tịch UBDN thành phố đề nghị lãnh đạo Sở cùng các đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục phối hợp làm việc, bổ sung những vấn đề lớn, trọng yếu lại vừa cụ thể, đặc biệt làm rõ nét mới, sự đột phá và tầm nhìn khát vọng của lĩnh vực, ngành trong lập Quy hoạch Thủ đô.
Trong đó, quan điểm về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, chú ý đến tài nguyên rừng trên địa bàn Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp; chú trọng không gian mặt nước của hệ thống sông, hồ và khai thác, sử dụng có hiệu quả không gian xanh của Thủ đô, từng bước xây dựng những khu vực đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử và có chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.