(HNM) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11-2-2023 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà:
Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân
Luật Đất đai là bộ luật quan trọng và phức tạp, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và toàn bộ người dân. Do vậy, việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai là vô cùng cần thiết. Nhận thức rõ quá trình góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà còn tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được huyện Gia Lâm tập trung chỉ đạo từ việc tổ chức hình thức góp ý, chất lượng ý kiến đến việc lắng nghe, tiếp thu, tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc và thực chất.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn
Luật Đất đai là một trong những bộ luật quan trọng nhất được sửa đổi nhằm giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; hài hòa quyền, lợi ích, cũng như thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai. Từ 9 vấn đề trọng tâm mà Chính phủ đưa ra tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quận Hoàng Mai sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của người dân, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền và công khai báo cáo cho người dân biết các ý kiến của mình đã được tổng hợp như thế nào.
Nhiều người dân bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo Luật Đất đai lần này khi quy định rõ ràng việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì:
Khắc phục bất cập từ sự thiếu thống nhất giữa các luật
Sau gần 10 năm đi vào thực tế, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, phát sinh những hệ lụy dẫn đến vi phạm về đất đai ngày càng nhiều. Nổi cộm trong đó là các vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đền bù đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Mặt khác, những bất cập của Luật Đất đai 2013 còn do Luật chưa có sự thống nhất với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các công trình, dự án tại các địa phương.
Quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều phức tạp, mất thời gian thực hiện gây khiếu nại kéo dài. Quy định về khung giá đất, bảng giá cũng ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá đất cụ thể… Đây là những lý do cần thiết phải cấp bách sửa đổi Luật Đất đai.
Bà Hà Minh Ngát, phố Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm:
Cần công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai lần này, nhiều người dân, trong đó có tôi, hết sức quan tâm đến các quy định về quy hoạch sử dụng đất và công khai quy hoạch. Công khai, minh bạch trong thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là quy định quan trọng để bảo đảm người dân được quyền tiếp cận thông tin về đất đai; giúp hạn chế tối đa tình trạng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cố tình che giấu, lợi dụng thông tin để tham nhũng chính sách, tạo nên những “cơn sốt đất”, gây lũng đoạn thị trường bất động sản. Do đó, chúng tôi rất mong trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, cơ quan soạn thảo sẽ đưa vào Luật nội dung công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ông Bùi Thanh Duy, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ:
Luật Đất đai năm 2013 không theo kịp tốc độ phát triển
Luật Đất đai hiện hành không theo kịp tốc độ phát triển. Cụ thể, luật chưa đề cập khái niệm đất có mặt nước, đất tự khai hoang; cũng chưa quy định cụ thể xác định loại đất, mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà phố thương mại… trong khi đây là những loại công trình xây dựng đang phát triển ồ ạt.
Điều này đã tạo những kẽ hở pháp lý, dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng lừa đảo, khiến người dân điêu đứng. Mặt khác, Luật cũng thiếu sự thống nhất trong các quy hoạch sử dụng đất chuyên ngành dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, buộc phải thu hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.