(HNM) - Triển khai xây dựng nông thôn mới, nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ sôi nổi đóng góp ngày công, tiền của làm đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng... làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Mặc dù là huyện ven đô nhưng điều kiện kinh tế xã hội của nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn còn không ít khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh, so với bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, các tiêu chí trên địa bàn huyện đạt được còn rất thấp. Ngay xã điểm Thụy Hương đến nay mới đạt 18/19 tiêu chí, 1 tiêu chí chưa đạt là chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Ba xã Hồng Phong, Đại Yên, Đông Sơn mới đạt 7/19 tiêu chí; 2 xã đạt 6/19 tiêu chí; 3 xã đạt 5 tiêu chí; 21 xã còn lại mới đạt 3, 4 tiêu chí.
Kiên cố hóa kênh mương tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền |
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Chương Mỹ là vốn cho xây dựng NTM. Ngoài nguồn đóng góp của người dân, vốn của thành phố và huyện, để xây dựng NTM, các xã chủ yếu trông vào đấu giá đất. Tuy nhiên, đến nay ở hầu hết các xã, ngay cả xã điểm Thụy Hương, vẫn chưa triển khai được nên thiếu vốn để xây dựng hạ tầng trầm trọng.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn, huyện Chương Mỹ đã lựa chọn các hạng mục, dự án ưu tiên thực hiện, trước mắt tập trung vào lĩnh vực đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với chủ trương này, nhiều xã trên địa bàn huyện đã làm tốt công tác huy động sức dân xây dựng NTM.
Nam Phương Tiến là xã có diện tích lớn, mật độ dân cư thấp nên việc hoàn thiện các trục đường giao thông nông thôn rất khó khăn. Theo kế hoạch, xã sẽ hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2015 nhưng đến nay, đã gần hết quý I-2013 xã mới đạt 5 tiêu chí. Để có nguồn kinh phí xây dựng NTM, xã đã tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đóng góp. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Phong, trung bình, mỗi hộ dân ở đây đã đóng góp 4-5 triệu đồng để đổ bê tông tất cả các trục đường giao thông chưa được cứng hóa. Đến nay, cả 9 thôn trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn với 100% là sức dân.
Triển khai phong trào này, đi đầu là thôn Nam Sơn. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nam Phương Tiến Nguyễn Quang Thấn cho hay, với đặc thù địa hình gần núi, mỗi khi vào mùa mưa, lũ rừng ngang đổ về, thôn thường xảy ra ngập úng do nước chậm tiêu. Tháng 8-2012, xã Nam Phương Tiến tổ chức hội nghị, vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức đổ bê tông tuyến đường trục chính vào thôn. Có đường mới, bà con ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Nhân rộng phong trào, Nam Phương Tiến đã phát động nhân dân góp thêm sức xây mương thoát nước và kiên cố hóa toàn bộ đường giao thông xóm, ngõ. Chủ trương hợp lòng dân nên người dân đồng tình hưởng ứng cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, 240 hộ dân trong thôn đã góp được 300 triệu đồng làm 3 tuyến đường giao thông dài 3km và xây tường bao, sân, cổng nhà văn hóa thôn.
Cùng với Nam Phương Tiến, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ - ông Hoàng Văn Cừ chia vui, chương trình xây dựng NTM do xã phát động đến hết tháng 2-2013 đã thu được gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, người dân còn đi đầu trong dồn điền đổi thửa. Đến nay, mỗi hộ trên địa bàn xã chỉ còn từ 1-2 thửa ruộng thay vì 8 thửa trước kia, thuận lợi cho canh tác. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân, những điểm sáng về công tác huy động sức dân như các địa phương trên đã và đang dấy lên phong trào chung sức xây dựng NTM, là một trong những giải pháp quan trọng để huyện Chương Mỹ tháo gỡ khó khăn, sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.