(HNM) - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng có nhiều nội dung phát triển mới. Mục VIII - Quản lý, phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là nội dung có bước phát triển quan trọng so với Văn kiện Đại hội XI. Vì vậy, cần được nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh hơn.
1. Tiêu đề: Theo ý kiến cá nhân tôi nên thay cụm từ "quản lý" bằng cụm từ "xây dựng". Vì xây dựng phát triển mang tính lôgic và hợp lý hơn, xây dựng để phát triển. Còn quản lý chỉ là nội dung quan trọng, mang tính cốt lõi trong xây dựng và phát triển. Xây dựng mang nhân tố mới tiến bộ, mới gọi là phát triển. Do đó, hai cụm từ mang tính bổ sung và định hướng cho nhau, không lo trùng lặp. Đại hội XII của Đảng nhiệm kỳ 5 năm, vì vậy xây dựng nội dung về xã hội cần đúng tầm, đáp ứng mục tiêu xây dựng đất nước đề ra là: "Sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", như trong dự thảo Văn kiện đã xác định. Trong đó, xây dựng và phát triển xã hội, cũng góp phần rất quan trọng thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước đề ra.
Cụm từ "thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội" nên chuyển xuống phần phương hướng, nhiệm vụ, đúng và hợp lý hơn. Đồng thời còn tạo ra sự thống nhất giữa các mục, trong hệ thống Văn kiện của Đảng.
2. Phương hướng, nhiệm vụ: Cần xác định rõ mục tiêu, phương hướng xây dựng và phát triển xã hội, như trong dự thảo Văn kiện của Đảng đã viết: Thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong phương hướng nên nghiên cứu bổ sung nội dung: Gắn chặt xây dựng và phát triển xã hội với bảo tồn và phát triển nền văn hóa. Vì văn hóa và xã hội là hai phạm trù có mối liên hệ chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Hiện nay, trên thế giới có nước đặt ra mục tiêu và phương hướng, xây dựng và phát triển xã hội "hài hòa" theo kiểu cách riêng của họ. Chính là để phù hợp với điều kiện con người và đất nước của quốc gia đó. Đây cũng là vấn đề để ta tham khảo trong nghiên cứu. Xây dựng, phát triển xã hội cần huy động được nguồn lực phong phú của Nhà nước, các cấp và các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước đang hoạt động trên đất nước ta, các tổ chức và bạn bè quốc tế, sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nguồn lực trong nước luôn giữ vai trò quyết định.
Xây dựng và phát triển xã hội cần gắn chặt với nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp và các ngành. Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt các chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành từ trung ương đến địa phương. Vì xây dựng phát triển xã hội diễn ra trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, dưới sự lãnh đạo quản lý, điều hành của nhiều cấp và nhiều ngành, do đó cần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc dân phải biết, dân được bàn, dân tham gia làm, dân có quyền kiểm tra và đánh giá kết quả. Xây dựng phát triển xã hội, mang lại sự tiến bộ và công bằng, cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho toàn dân. Do đó, mọi việc chính quyền cần công khai, để người dân được biết, nhân dân được bàn, nhằm phát huy trí tuệ tập thể, "hiến kế" tìm ra phương pháp thực hiện tiết kiệm và hiệu quả nhất. Người dân được trực tiếp tham gia làm, phù hợp với trình độ và khả năng của mình. Nhân dân có quyền kiểm tra và đánh giá kết quả. Mục đích tăng tính trung thực, đúng yêu cầu, đáp ứng thực tiễn, chống thất thoát lãng phí, khắc phục bệnh thành tích…
Nội dung bảo đảm an sinh xã hội cần nâng lên ngang tầm với quyền được lao động, có việc làm và bảo đảm thu nhập; cũng như bảo đảm y tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Thực tiễn xây dựng và quản lý xã hội những năm qua đã đạt nhiều thành quả, song cũng bộc lộ không ít yếu kém. Nguyên nhân chính là do việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và thực thi pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, thiếu nghiêm túc và chặt chẽ. Năng lực lãnh đạo trong xây dựng cũng như quản lý xã hội, của cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa cao, vận dụng cách làm thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Sự phối hợp giữa các cấp và các ngành chưa thật chặt, nhất là trong tuyên truyền vận động nhân dân, giúp người dân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, cũng như các cơ quan và đoàn thể, công ty và doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là chưa thực hiện đúng Quy chế dân chủ ở cơ sở, do đó chưa tạo được sự đồng thuận, nhằm phát huy vai trò và sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân vào xây dựng và quản lý xã hội. Thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.