Y tế

Huy động nguồn nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ khám, chữa bệnh

Đình Hiệp - Ảnh: Quang Thái 01/08/2023 - 15:53

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về lĩnh vực y tế tại hội thảo khoa học diễn ra sáng 1-8, GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội kiến nghị: Cần có cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn để phục vụ công tác khám, chữa bệnh của Thủ đô.

hoithao10.jpg
Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn tham luận tại hội thảo.

Chưa xứng tầm với vị thế

Trong lĩnh vực y tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.

Trên thực tế, chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của Thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng khi tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của thành phố chưa cao.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.

Theo ông Tạ Thành Văn, chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Một minh chứng cho thấy, trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ nội trú với Trường Đại học Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974-2012).

Khắc phục điều này, giai đoạn 2013-2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm, đơn vị đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau. Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn “ảm đạm” hơn nhiều.

“Hãy tạm so sánh danh mục chuyên môn mà các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội làm được với các bệnh viện tuyến trung ương đóng ngay trên địa bàn thì sẽ thấy rõ. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội như giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận/huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều”, đại biểu nêu thực trạng.

Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh

Từ thực tế trên, đại biểu đã góp ý một số nội dung tập trung vào lĩnh vực y tế được quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể, trong điều 27 của dự thảo Luật về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bởi lẽ Thủ đô Hà Nội mặc nhiên được “tận hưởng” nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, trong các lĩnh vực như quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên mà còn bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Vì vậy, dự thảo cần làm rõ hơn việc xây dựng hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình gắn với cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội.

Trong dự thảo Luật cũng cần đề cập vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Bài học về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy sự tham gia rất khiêm tốn của các cơ sở y tế ngoài công lập trong khi toàn bộ hệ thống y tế công lập từ trung ương xuống cơ sở đều quá tải. Do vậy, dự thảo Luật cần thiết đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực y học dự phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động nguồn nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ khám, chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.