Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới thương hiệu gạo Hà Nội

Ngọc Minh - Đào Huyền| 18/11/2011 07:15

(HNM) - Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2010-2015 được UBND TP phê duyệt với tổng kinh phí 184 tỷ đồng nhằm mục tiêu xây dựng vùng lúa đặc sản ổn định...


Chăm sóc lúa chất lượng cao tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thái Hiền


Trong hai năm qua, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đã xây dựng 13 mô hình sản xuất tại 13 xã, hợp tác xã với quy mô 3.670ha, ở 7 huyện ngoại thành, thu hút trên 13.784 hộ tham gia. Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc trung tâm, với diện tích 3.670ha, giá trị lúa hàng hóa chất lượng cao hai năm (2010-2011) đạt trên 200 tỷ đồng, cao hơn sản xuất lúa thường khoảng 18 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả kinh tế chương trình mang lại 93 tỷ đồng, tăng hơn sản xuất lúa thường (so với giống Khang dân 18 đang cấy đại trà) 68 tỷ đồng. Chương trình đã đạt cả 3 mục tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả mở ra hướng thâm canh mới cho nghề trồng lúa của nông dân ngoại thành… Hướng đi mới sản xuất lúa của Hà Nội là nâng cao giá trị cây lúa mở rộng diện tích lúa hàng hóa khi diện tích trồng lúa ngày càng giảm do phát triển công nghiệp và đô thị.

Hiện tại lượng lúa hàng hóa sản xuất ra đều được các doanh nghiệp, thương lái thu mua hết, nông dân không lo đầu ra. Tuy nhiên, sản xuất lúa chất lượng cao còn dàn trải, khó xây dựng thương hiệu. Hà Nội đang khẩn trương quy hoạch theo vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa đặc sản cho từng vùng, giống Bắc thơm tập trung ở Chương Mỹ, nếp cái hoa vàng ở Mỹ Đức, trung tâm sản xuất lúa hàng hóa ở Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên. TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho rằng, Hà Nội nên chọn 3-4 giống lúa đặc sản/vụ, mỗi vùng thâm canh 1-2 giống sau đó chọn ra giống tốt nhất, sớm đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất lúa hàng hóa ở các vùng đủ điều kiện, diện tích lớn và chọn mỗi huyện tập trung thâm canh 1-2 giống chất lượng.

Thực tế triển khai hai năm qua cho thấy, yếu tố quyết định để chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là sự liên kết chặt chẽ "bốn nhà". Thành phố giao cho Trung tâm Giống cây trồng thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân, cung ứng giống, vật tư phân bón, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và kết nối doanh nghiệp với nông dân. Thông qua chương trình nông dân đã liên kết thành tổ nhóm, hợp tác xã để hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, yếu tố bền vững trong sản xuất, tiêu thụ lúa còn gắn liền với việc dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho lúa gạo đang được trung tâm thực hiện. TS Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô đến năm 2020, Hà Nội bố trí vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 40 nghìn hécta, tập trung tại các huyện trọng điểm. Để chương trình đạt hiệu quả rất cần UBND TP Hà Nội quan tâm hỗ trợ cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho các ban chỉ đạo sản xuất ở cấp xã, tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý. Các địa phương cần tích cực dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, cải tạo, nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh mương, đưa cơ giới vào sản xuất. Mục tiêu đến năm 2015, chương trình lúa hàng hóa sẽ đáp ứng được 30-35% nhu cầu lương thực của Thủ đô. Đồng thời tạo diện mạo mới cho nông thôn ngoại thành, là tiền đề quan trọng để các xã xây dựng nông thôn mới.

Hai năm qua, Trung tâm Giống cây trồng đã tiến hành thực nghiệm so sánh các giống: Nàng xuân, Tám đột biến, T10, LT2, P9, P376 đều phù hợp với đồng đất, điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của nông dân. Một số giống có triển vọng tốt, tiềm năng năng suất cao đã được bổ sung vào cơ cấu giống lúa hàng hóa như giống T10; Tám đột biến, P9 phù hợp cơ cấu 3 vụ/năm của nông dân ngoại thành.
Kế hoạch năm 2012, Hà Nội xây dựng 20 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 9 huyện với quy mô 6.000ha; năng suất phấn đấu đạt 5,5-5,8 tạ/ha/vụ, giá trị kinh tế mô hình đạt gần 400 tỷ đồng. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 40.000ha lúa chất lượng cao.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới thương hiệu gạo Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.