Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới nền kinh tế hydro

Hoàng Linh| 26/11/2017 07:16

(HNM) - Mở rộng sử dụng năng lượng từ khí hydro trong cấp điện, vận tải, sưởi ấm và phục vụ công nghiệp có thể sẽ giúp thế giới giảm phát thải carbon tới 20% vào giữa thế kỷ này.


Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 23 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) diễn ra tại Bonn (Đức), Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã nêu rõ, nồng độ khí dioxide carbon (CO2) trong khí quyển đang ở mức báo động. Loại khí có nguồn gốc chủ yếu từ khí thải công nghiệp, phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hậu quả của nạn phá rừng khiến trái đất nóng lên, gián tiếp gây thiên tai, ngập lụt. Vì thế, trong vài năm trở lại đây, nỗ lực tìm kiếm nguồn nhiên liệu sạch cho mục tiêu công nghiệp và vận tải ngày càng trở nên cấp thiết và hầu như mọi thảo luận đều dẫn tới một loại duy nhất, khí hydro.

Không chỉ được đề cập tới nhiều lần trong khuôn khổ COP 23, loại khí được sử dụng trong phản ứng hóa học với oxy tự nhiên để sinh điện này giờ đây cũng được các nước trên thế giới bắt đầu lưu tâm và xem như giải pháp then chốt cho những vấn đề lâu dài về bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.



Mới đây, Tập đoàn Năng lượng đa quốc gia Air Liquide của Pháp, Hãng Ô tô Toyota cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng thành lập Ủy ban Hydro (HC), hoạt động từ tháng 1-2018. Ủy ban hiện có 27 thành viên, gồm cả các nhà sản xuất ô tô lớn như Audi, BMW, Daimler, Honda, Hyundai, một số đại gia trong lĩnh vực năng lượng như Shell, Total, Engie… và cả các tập đoàn khai khoáng lớn nhất hiện nay như Anglo American.

Trong bản báo cáo bên lề hội thảo về khí hậu của Liên hợp quốc, HC cho biết sẽ hướng tới thúc đẩy ứng dụng năng lượng hydro trên toàn cầu trong vận tải, sản xuất và lưu trữ năng lượng, các ngành công nghiệp... với mục tiêu cắt giảm lượng phát thải carbon toàn cầu tới 6 tỷ tấn vào năm 2050.

Việc chuyển đổi nguồn năng lượng sẽ diễn ra trước tiên trong ngành công nghiệp ô tô. Giờ đây, không khó để bắt gặp những chiếc xe hydro tại Nhật Bản hay Mỹ. HC khẳng định, tới năm 2030, cứ 12 xe bán ra tại California (Mỹ), Đức và Nhật Bản sẽ có 1 chiếc sử dụng nhiên liệu hydro.

Tới năm 2050, hydro có thể trở thành động lực chính cho 400 triệu chiếc ô tô cá nhân, 15 đến 20 triệu chiếc xe tải và khoảng 5 triệu xe buýt, 25% tàu thủy du lịch, và 20% xe lửa đường sắt trên toàn cầu. Ngoài ra, máy bay và tàu vận tải biển cũng sẽ chuyển sang loại nhiên liệu mới này trong cùng giai đoạn.

Gần đây, Trung Quốc cũng đặt định mức cho việc triển khai hydro, trong đó gồm cả mục tiêu có 1 triệu ô tô sử dụng nhiên liệu này vào năm 2030. Trong khi đó, Anh cũng dành quỹ 23 triệu bảng cho việc phát triển phương tiện hydro. Những nỗ lực này nằm trong mục tiêu đầu tư phát triển hydro khổng lồ của toàn thế giới, dự kiến lên tới 280 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, có 110 tỷ USD sẽ chi cho việc phát triển sản xuất khí hydro, 80 tỷ USD phục vụ việc lưu trữ, vận tải và phân phối loại nhiên liệu mới này. Số tiền còn lại dành cho phát triển các sản phẩm sử dụng hydro.

Thế giới giờ đây đã khẳng định mong muốn hướng tới nền kinh tế hydro. Để mục tiêu sớm trở thành hiện thực, những hợp tác quốc tế nhằm phát triển loại năng lượng này, từ nghiên cứu công nghệ đến ứng dụng trong thời gian tới sẽ được triển khai mạnh mẽ. Điều này đã và đang rất thuận lợi do nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tổ chức quốc tế như cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Hiệp hội Quốc tế vì nền kinh tế hydro được thành lập năm 2003 với 16 nước đại diện cho 85% GDP toàn cầu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới nền kinh tế hydro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.