(HNM) - Hoài Đức là một trong những địa phương có làng nghề (LN) phát triển nhất của thành phố Hà Nội với 12 LN được công nhận, 1.206 doanh nghiệp (DN), 2.556 hộ, trên 17.000 hộ tham gia sản xuất kinh doanh trong các LN, chiếm 40,5% số hộ trong toàn huyện.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những khó khăn về đầu ra do chịu ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái, DN LN lại đang phải đối mặt với khó khăn về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Mặc dù năm 2012 còn gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ của huyện vẫn phát triển khá, tăng từ 6,5% đến 12,3% so với năm 2011; trong đó giá trị sản xuất của khối tư nhân chiếm 45,7%, hộ gia đình chiếm 50,8%. Hoài Đức có 12 LN được công nhận với nhiều sản phẩm truyền thống lâu đời như các sản phẩm đồ thờ của LN thủ công mỹ nghệ điêu khắc Sơn Đồng; dệt kim, bánh kẹo La Phù; bánh tráng nem Ngự Câu; miến, mật, mạch nha, đỗ xanh bóc vỏ, xay xát gạo, bánh kẹo các loại của "bộ ba" LN chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế... Tổng số lao động tại các LN lên tới 44.000 người, trong đó hơn 60% là người địa phương. Doanh thu hằng năm của 12 LN truyền thống đạt 1.400 tỷ đồng. Năm 2012 các DN và hộ sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề đã đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 200 tỷ đồng.
Mặc dù các LN ở Hoài Đức khá phát triển nhưng tình trạng chung là ít có LN đặt ra các biện pháp bảo vệ môi trường đi đôi với sản xuất nên môi trường LN bị ô nhiễm nặng, trở thành một trong những vấn đề "nóng" tại địa phương. Hằng năm, có trên 4 triệu mét khối nước thải chưa qua xử lý tại cụm điểm công nghiệp và LN tập trung chủ yếu tại các LN Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, La Phù... và đều đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy. Nước thải tại các LN chế biến nông sản có nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ hàng chục đến hàng trăm lần. Hằng năm, các LN có gần 170.000 tấn chất thải rắn, trong đó có 122.168 tấn chất thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng nước ngầm ở địa phương. Chưa kể, nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh và một số doanh nghiệp LN về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa cao. Tình trạng nông sản phơi cạnh đường giao thông, nguyên vật liệu sản xuất vứt dưới sàn xưởng sản xuất, sử dụng phụ gia chưa đúng quy định… còn diễn ra phổ biến ở nhiều LN.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm do sản xuất tại các LN, UBND huyện Hoài Đức đã quy hoạch phát triển các khu sản xuất tập trung và được UBND TP Hà Nội phê duyệt, trong đó có 6 cụm công nghiệp và 12 điểm công nghiệp LN với tổng diện tích quy hoạch là 284,19ha (hiện đã triển khai xây dựng xong 8 cụm công nghiệp LN với diện tích hơn 160 ha). Huyện cũng đã xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu đến 2015, tất cả các DN, cơ sở sản xuất chế biến, LN trên địa bàn huyện có hệ thống thu gom nước thải, rác thải; những cơ sở lớn có hệ thống xử lý nước, phân loại chất thải rắn; các khu chăn nuôi tập trung đều có hệ thống bể biogas… Chủ tịch UBND huyện Vương Duy Hướng khẳng định: Để LN phát triển bền vững, cần áp dụng tổng hợp các giải pháp như chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường LN, quy hoạch môi trường, quan trắc kiểm soát ô nhiễm môi trường LN; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, kết hợp với các giải pháp kỹ thuật như đầu tư công nghệ, áp dụng sản xuất sạch, an toàn... Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh nhằm hạn chế hành vi gây tổn hại tới môi trường. Về phía chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản về thủ tục hành chính để các DN, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Có như vậy LN mới phát triển bền vững, vượt qua suy thoái kinh tế, tiếp tục đóng góp vào ngân sách địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.