(HNM) - Luật Thủ đô vừa được công bố đã nêu rõ trách nhiệm của Hà Nội:
Nền tảng phát triển bền vững
Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, tập trung đông dân cư nên lượng giao dịch về thủ tục hành chính (TTHC) rất đa dạng. Vì thế, nhiều năm qua, TP Hà Nội đã đặt công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cải cách TTHC và công tác cán bộ là khâu đột phá.
Nhiều sở, ban, ngành và các quận, huyện của Hà Nội đã triển khai cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” theo hướng hiện đại.Ảnh: Thanh Hải
Mục tiêu xuyên suốt của công tác CCHC của TP Hà Nội là cải cách toàn diện về thể chế hành chính, bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để bộ máy hành chính nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện rõ nét tính chất phục vụ của bộ máy hành chính của dân, do dân, vì dân. Coi trọng công tác CCHC, Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" trên địa bàn từng bước có nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, kết quả trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã cho thấy nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại. Với mục đích ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT, nâng cấp, xây dựng mới trang thông tin điện tử cho các đơn vị. Hiện nay, TP Hà Nội đã thực hiện giao ban trực tuyến với các đơn vị; 100% sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ (mạng LAN); tỷ lệ máy tính trên cán bộ công chức cần sử dụng máy tính là 95%; 15/20 sở, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử"; 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đã được triển khai chữ kỹ số để gửi và nhận văn bản giữa UBND TP và giữa các cơ quan nhà nước của Hà Nội. Đến nay, TP Hà Nội đã không còn địa bàn "trắng" CNTT, các phần mềm ứng dụng dùng chung bước đầu sử dụng có hiệu quả, tạo nền móng ban đầu cho giai đoạn xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011-2015. Có thể thấy, quyết tâm xây dựng quy hoạch phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2012, định hướng đến năm 2030; thực hiện thi tuyển công chức theo nguyên tắc cạnh tranh; thành lập Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và duy trì Ban Chỉ đạo cải cách hành chính… của các cấp, các ngành Thủ đô thực sự là nền tảng vững chắc để Hà Nội phát triển văn minh, hiện đại.
Vinh dự và trách nhiệm
Luật Thủ đô có những cơ chế đặc thù trong các lĩnh vực như: quy hoạch không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường; quản lý đất đai; phát triển và quản lý nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý giao thông vận tải… nên thành phố sẽ chủ động triển khai những công việc cần thiết trong thẩm quyền của mình để luật sớm đi vào cuộc sống. Trước khi có Luật Thủ đô, công việc của các cơ quan ở Hà Nội vốn nhiều và khó, nay luật sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết công việc tốt hơn, song cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao hơn với từng cá nhân, tổ chức. Điều quan trọng là lãnh đạo các đơn vị đã ý thức được rằng, để thực hiện việc quản lý đất đai; phát triển nhà ở; quản lý dân cư… một cách hiệu quả thì cùng với các quy định sẽ không thể thiếu tinh thần thực thi nhiệm vụ đầy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều cơ quan hành chính xác định sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến luật đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân để các công việc được giải quyết một cách hài hòa, đúng quy định khi Luật Thủ đô có hiệu lực.
Dù không thể một sớm một chiều Thủ đô có ngay bộ mặt mới, song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với vinh dự, trách nhiệm và quyết tâm đưa Luật Thủ đô vào thực tiễn sẽ thúc đẩy Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.