Nông nghiệp

Hướng sản xuất mới từ trồng ngô sinh khối

Ngọc Quỳnh 17/01/2024 - 07:21

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương của Thủ đô trồng ngô sinh khối vụ đông trên đất hai lúa (đất trồng được hai vụ lúa trở lên trong một năm). Cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phù hợp làm thức ăn chăn nuôi vào mùa đông và cho hiệu quả kinh tế cao.

mo-hinh-trong-ngo-sinh-khoi.jpg
Mô hình trồng ngô sinh khối vụ đông tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lâm Nguyễn

Hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa

Hà Nội có nhiều diện tích đất bãi, quỹ đất lúa nhàn rỗi vụ đông. Nhu cầu về thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng cho đàn gia súc ngày càng tăng... Từ thực tế này, các địa phương đã triển khai, nhân rộng diện tích trồng ngô sinh khối.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Chiểu (xã Phú Cường, huyện Ba Vì) Nguyễn Xuân Khu, khoảng 3 năm nay, hợp tác xã triển khai trồng ngô sinh khối trên diện tích 20ha. Ngô sinh khối là loại cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống chịu được một số loại sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Không những thế, năng suất của ngô sinh khối cũng khá cao, đạt gần 60 tấn/ha, thu lãi khoảng 22 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa 2-3 lần.

Tại huyện Mê Linh, diện tích đất hai lúa có thể gieo trồng cây vụ đông khoảng 5.944ha, nhưng người dân mới gieo trồng được 2.365ha. Do đó, vụ đông 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện "Mô hình sản xuất ngô sinh khối vụ đông trên đất hai lúa'' với giống ngô NK2378 tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), quy mô 10ha do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Lâm, một trong những hộ nông dân xã Tiến Thịnh tham gia mô hình chia sẻ, tham gia mô hình này gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ về vật tư nông nghiệp và tập huấn, hướng dẫn thường xuyên kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh hại trên cây ngô sinh khối. Nhờ đó, cây ngô sinh trưởng tốt và chống chịu được với bệnh khô vằn, sâu đục thân, rệp cờ; tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%.

“Dự kiến ngô sinh khối cho năng suất khoảng 55 tấn/ha, lợi nhuận đạt hơn 22,3 triệu đồng/ha mỗi vụ… Đặc biệt, ngô sinh khối có hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, đứng đầu trong các loại cây dành làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ”, ông Nguyễn Thế Lâm nói.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích nông dân trồng ngô sinh khối trên đất hai vụ lúa và vụ đông, giúp nông dân chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, có chất lượng cho đàn gia súc, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, nếu gieo trồng, thu hoạch thuận lợi, trồng ngô sinh khối lãi gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối vụ đông trên chân đất cấy hai vụ lúa, nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Đưa cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất, chế biến

Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, sản xuất ngô sinh khối còn một số hạn chế, như: Quỹ đất gieo trồng nhỏ lẻ, manh mún nên các hợp tác xã phải đi thuê, mượn lại ruộng của hộ dân trong vùng; việc áp dụng cơ giới hóa, sử dụng máy móc canh tác gặp nhiều khó khăn…

Để sản xuất ngô sinh khối vụ đông tiếp tục phát huy hiệu quả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho biết, năm 2024, trung tâm sẽ phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân triển khai nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối trên đất hai lúa thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất. Cùng với đó, trung tâm hỗ trợ nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu 100% sản phẩm khi vào vụ thu hoạch với giá ổn định.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, để mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững, Bộ NN&PTNT cần có những nghiên cứu, lựa chọn giống ngô phù hợp, đáp ứng yêu cầu về năng suất và chất lượng. Các địa phương cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, đưa cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về kỹ thuật sản xuất và quy trình chế biến ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc, nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng thức ăn chăn nuôi từ sản phẩm này trên thị trường; hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân, doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

Có thể khẳng định, chuyển đổi diện tích cây lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng ngô sinh khối đang mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả cho nông dân. Ngoài việc giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mô hình này còn có thể tăng số vụ sản xuất so với ngô lấy hạt, góp phần chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng sản xuất mới từ trồng ngô sinh khối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.