Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi đúng, hiệu quả

Đỗ Minh| 06/03/2019 07:32

(HNM) - Từ những mô hình nhỏ lẻ, đến nay, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ trở thành vùng trồng hoa lớn với đa dạng chủng loại.

Sản xuất hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).


Giàu, đẹp từ trồng hoa

Trước nhu cầu chơi hoa, đặc biệt là các loại hoa bản địa của người tiêu dùng ngày càng cao, anh Nguyễn Văn Công ở thôn Đại Tảo (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) đã mạnh dạn chọn mô hình trồng và cấy ghép các giống hoa lan. Anh Công cho biết, việc chọn, cấy ghép, chăm sóc hoa lan rất cầu kỳ, yêu cầu kỹ thuật cao, nên người trồng lan phải tỉ mỉ, say mê mới trồng được loại hoa này. Song, nếu thành công, mô hình sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là phù hợp với hướng đi của nền nông nghiệp đô thị. Qua nhiều năm xây dựng, đến nay anh Công đã thành công với mô hình trồng hoa lan. “Từ quy mô 200m2 ban đầu, đến nay vườn lan đã được mở rộng lên 500m2 với hơn 1.000 giò lan các loại như: Đai Châu, Phi Điệp, Trầm, Quế, Tam bảo sắc, Hạc vĩ... Giá bán trung bình của một giò lan dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/giò, có những giò lan thuần, lan rừng có giá đến vài chục triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm vườn lan của gia đình tôi thu được hơn 400 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Công cho hay.

Anh Nguyễn Đỗ Thế Cường ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cũng đã trở thành tỷ phú nhờ mô hình trồng lan rừng. Sở hữu vườn lan với hơn 5.000 giò lan, đặc biệt có gần 100 loài lan rừng quý, hiếm khác nhau giá trị lên đến gần 2 tỷ đồng. Trong đó, có những giò lan được kết trên thân gỗ cổ thụ có giá từ 10 đến 20 triệu đồng/giò.

Không chỉ hộ cá thể mà mô hình trồng hoa chất lượng cao còn được nhân rộng tại nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Hà Nội. Điển hình là vùng trồng hoa huyện Mê Linh. Hiện, toàn huyện có khoảng 430ha trồng hoa, hằng năm cung cấp khoảng 295 triệu cành hoa, gồm nhiều loại hoa cho người tiêu dùng Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Mô hình trồng hoa tại huyện Mê Linh đang cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực của mỗi người dân, đến nay toàn thành phố có khoảng 2.700ha trồng hoa, trong đó có hơn 50 vùng trồng hoa có quy mô 20ha/vùng. “Hoa là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, đây cũng là loại cây được nhiều địa phương lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài cung ứng sản phẩm hoa cho thị trường, nhiều vườn hoa đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Không những vậy, mô hình trồng hoa ở Hà Nội còn tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho vùng ngoại thành, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa là khá rõ, song, trên địa bàn thành phố mới chỉ có hơn 110ha trồng hoa bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3ha và có 0,1ha bước đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Giám đốc HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho biết, trồng hoa, nhất là các loại hoa chất lượng cao, việc ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống nhà lưới, nhà kính… nhằm điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng sẽ hạn chế những rủi ro trong sản xuất. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho các mô hình trồng hoa chất lượng cao không phải là nhỏ, do vậy cần có những chính sách hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp, HTX đầu tư nhân rộng mô hình.

Ngoài ra, trình độ sản xuất, quỹ đất đang là hạn chế để các mô hình trồng hoa chất lượng cao trên địa bàn thành phố được nhân rộng. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư. Còn ở các HTX, hộ kinh doanh nhỏ và vừa, việc này gần như chưa thực hiện được, nếu có triển khai thì đầu ra không ổn định hoặc sản phẩm chưa bảo đảm để cạnh tranh trên thị trường.

TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 300ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa toàn thành phố. Để phát triển các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Theo đó thành phố sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ như: Đào tạo nghề về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phục vụ phát triển liên kết; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng hạ tầng… Với sự hỗ trợ tích cực này, không chỉ mô hình trồng hoa mà nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố sẽ tháo gỡ được những khó khăn, từng bước nhân rộng và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi đúng, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.