(HNM) - Là thành phố lớn, năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang nắm bắt xu hướng chuyển đổi số nhằm xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nhằm hướng đến xây dựng đô thị thông minh.
Bước chuyển từ dịch vụ công trực tuyến
Ông Lê Nguyễn Bảo Quốc (trú tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho biết, mới đây, ông đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến của quận gặp nhiều thuận lợi, sau khi hoàn thiện hồ sơ thì nhận được phản hồi từ cán bộ thụ lý hồ sơ qua tin nhắn, email. “Việc nộp hồ sơ trực tuyến giúp giảm số lần phải đến cơ quan công quyền, thời gian hoàn thành thủ tục nhanh hơn”, ông Lê Nguyễn Bảo Quốc cho hay.
Quận Bình Tân là một trong những địa phương khá thành công trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây 3 năm, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp tham gia nộp trực tuyến mức độ 3, 4 chỉ chiếm khoảng hơn 4% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận, nhưng hiện tỷ lệ này đã tăng lên hơn 55% đối với hồ sơ thực hiện mức độ 3 và gần 60% mức độ 4. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho biết, có được kết quả trên là nhờ quận tổ chức mô hình tổ tư vấn trực tuyến tại 10 phường và 130 khu phố để vừa tuyên truyền vừa hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh, thành phố đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tập trung vào lĩnh vực lao động, kinh doanh và dịch vụ (chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp), còn lại là cấp độ 2. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố đang thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 các thủ tục như cấp phép đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp thuế... mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như thiếu hệ thống nền tảng dùng chung giữa trung ương với địa phương; giữa các bộ, ngành với các sở, ngành thành phố. Đáng chú ý, nhiều thủ tục chưa được đơn giản, tinh gọn để thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, người dân vẫn phải nộp bản cứng và phải đến cơ quan công quyền nhiều lần. Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Tống Đức Tiến thừa nhận, riêng thủ tục cấp phép xây dựng chỉ mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nghĩa là có phần việc người dân vẫn phải nộp hồ sơ trực tiếp.
Với thực tế này, để đạt được mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, toàn bộ thủ tục hành chính phải được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, thì thành phố cần có giải pháp tổng thể, toàn diện.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số
Nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, UBND thành phố vừa ban hành quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2030. Chương trình được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia và phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp quận và 60% hồ sơ công việc tại cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố và cấp quận, 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết, để thực hiện việc chuyển đổi số, thành phố đề ra các giải pháp như: Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu; phát triển nền tảng số, bao gồm nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng chuỗi khối (blockchain), nền tảng định danh điện tử; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định: "Thành phố thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.