(HNM) - Việc tháng 5 hằng năm được chọn là “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” (Quyết định 87/QĐ-TTg ngày 12-1-2016) cho thấy tầm quan trọng của vấn đề mang tính quốc gia và vì sự phát triển bền vững trong các quan hệ lao động. Tiếp nối Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động tổ chức lần đầu năm 2017, năm nay, Tháng hành động mang chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” đang được tổ chức khắp cả nước.
Trong an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc là nguyên nhân chính gây mất an toàn, dễ làm tổn thương hoặc gây tử vong, gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động. Đây là những vấn đề cơ bản trong hoạt động lao động, song lại chưa được quan tâm đúng mức.
Không tuân thủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động là nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn lao động gia tăng. Chỉ tính riêng năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ, làm 9.173 người bị nạn; riêng TP Hà Nội đã xảy ra 254 vụ, tăng 149 vụ so với năm 2016, làm 269 người chết và bị thương. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", bởi còn không ít vụ tai nạn lao động bị chủ sử dụng lao động tìm mọi cách giấu, không báo cáo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương…
Thật đáng tiếc là những "con số biết nói" này dường như vẫn chưa cảnh tỉnh được nhiều người. Chính vì vậy, trong hoạt động lao động sản xuất, tình trạng “nhiều không” vẫn diễn ra như: Không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo hộ; không quan trắc môi trường, đo lường các yếu tố gây hại tại nơi làm việc… Để hạn chế những tồn tại này, năm nay, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch tăng cường thanh tra trên cả nước; trong đó sẽ tập trung vào 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản. Tại Hà Nội, tháng 5 này, hai đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thành phố sẽ thanh tra, kiểm tra ở một số cơ sở để xảy ra hoặc có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Song, thanh tra, kiểm tra mới chỉ là phần ngọn. Nếu chúng ta chỉ phát động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động cũng vẫn là còn thiếu. Điều quan trọng là chủ động đưa các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động vào cuộc sống một cách thực chất. Đặc biệt là làm cho người lao động nhận thức rõ hơn ai hết phải biết tự bảo vệ sự an toàn và sức khỏe, coi đó là quyền lợi của mình và toàn xã hội phải nâng cao nhận thức về vấn đề này. Chính người lao động phải chủ động đòi hỏi người sử dụng lao động đáp ứng quyền lợi được bảo hộ, bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình trong quá trình lao động.
Vì thế, trước tiên phải tránh “bệnh” chủ quan, hình thức trong huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, việc tổ chức các hoạt động phải thiết thực, gắn với lợi ích của các chủ thể để họ thay đổi cách nghĩ, cách làm. Không chỉ tập trung trong Tháng hành động, những hoạt động này phải được tiến hành xuyên suốt, nhằm cải thiện điều kiện lao động và nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn, các đoàn thể, hội, cần sâu sát hơn trong thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Trong điều kiện nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách "ăn bớt" quy trình để giảm chi phí thì thanh tra lao động là việc làm rất cần thiết nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm. Để hiệu quả hơn, nên công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, biểu dương các đơn vị làm tốt. Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ quan quản lý nhà nước; có sự phân cấp hợp lý và tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng ngành...
Khi những hoạt động thực chất ấy "ngấm" vào mỗi chủ thể, "khoảng trống" trong lĩnh vực này sẽ được lấp đầy. Từ đó, mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, sức khỏe, tính mạng của người lao động sẽ được thực hiện để bảo đảm phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.