(HNM) - Thời gian qua, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong lĩnh vực việc làm, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, dịch đã ảnh hưởng đến hơn 9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Con số này sẽ không dừng lại bởi nhiều khó khăn còn tiếp tục gây ảnh hưởng đến người lao động trong thời gian tới.
Trước thực trạng này, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đã từng bước tháo gỡ khó khăn bằng nhiều giải pháp. Nổi bật trong đó là gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ được triển khai đã hỗ trợ cho hơn 1,3 triệu lao động với số tiền hơn 1,2 nghìn tỷ đồng… Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, ngày 19-5-2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gần đây nhất, ngày 2-6-2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục có Tờ trình số 34/TTr-LĐTBXH đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…
Cộng hưởng với các nguồn lực của Nhà nước, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức nhân đạo cũng hỗ trợ người lao động dưới nhiều hình thức. Dù chưa nhiều nhưng sự hỗ trợ quý báu này đã kịp thời giúp người lao động vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, các giải pháp mang tính lâu dài như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… cũng được các cấp, các ngành chú trọng triển khai. Ví như với Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, thành phố đã hỗ trợ cho 993 lao động thất nghiệp học nghề, cung ứng dịch vụ việc làm cho gần 50.000 lao động…
Tuy nhiên, vẫn còn không ít việc cần làm với các ngành chức năng, địa phương và chính người lao động.
Trước mắt, các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14-6-2021 về “Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”. Song song đó, cần rút kinh nghiệm từ đợt triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng để việc hỗ trợ người lao động trong thời gian tới được nhanh chóng, công bằng, minh bạch và đúng đối tượng. Đồng thời, rà soát lại quy định, yêu cầu về điều kiện thụ hưởng hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo hướng phục hồi và phát triển, thay vì các khoản cầm cự tạm thời.
Cơn “sóng cả” Covid-19 quét qua đã cho thấy phần lớn người thất nghiệp, mất việc tạm thời đều thuộc số lao động thủ công, giản đơn. Do đó, về lâu dài, cần khắc phục cho được những hạn chế trong công tác đào tạo nghề để người lao động có tay nghề vững với chất lượng cao. Và, đây không phải việc riêng của ngành Giáo dục hay Lao động - Thương binh và Xã hội, mà còn là một phần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ của các bên chắc chắn sẽ tạo được lực lượng lao động đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
Thêm một điều quan trọng nữa thuộc về người lao động, là phải tự rèn giũa, nâng cao tay nghề, kỹ năng để làm chủ thị trường lao động. Từ hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác, mỗi người nên chủ động tìm cách thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế.
Hỗ trợ lao động thất nghiệp trở lại thị trường bằng những giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài, đó là cơ sở hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.