Phát triển du lịch xanh, du lịch số là một xu hướng tất yếu, đồng thời là yêu cầu cũng như định hướng chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam.
Trong các loại hình du lịch hiện nay, mô hình du lịch xanh, du lịch số đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là khi nhận thức của du khách về vai trò và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường ngày một tăng.
Du lịch xanh còn gọi là du lịch sinh thái là loại hình du lịch được triển khai dựa vào hai yếu tố chính là tự nhiên và văn hóa, kết hợp giáo dục môi trường với sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng địa phương để phục vụ cho mục đích cuối cùng là bảo tồn, phát triển tài nguyên cũng như hệ sinh thái tự nhiên một cách bền vững. Còn du lịch số là xây dựng và phát triển du lịch một cách thông minh dựa vào công nghệ số của Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch tiện ích nhất cho du khách trải nghiệm hài lòng nhất.
Với vị thế Thủ đô của cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững. Thực tế cho thấy, nhiều điểm đến ở huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức... của Hà Nội đã xây dựng những mô hình du lịch xanh được đông đảo du khách trong và ngoài nước đánh giá cao, như du lịch nông thôn, du lịch trang trại. Cùng với đó, nhiều đơn vị cũng xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch. Đặc biệt là tăng cường công tác chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động quản lý, quảng bá, kinh doanh du lịch góp phần nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong du lịch.
Theo định hướng đến năm 2025, ngành Du lịch sẽ tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác. Mục tiêu của ngành Du lịch hiện nay đã rõ. Vấn đề quan trọng là xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Nhiệm vụ trước mắt trong năm 2024 đối với các cấp, ngành liên quan là cần tập trung thực hiện có hiệu quả việc phát triển du lịch xanh, du lịch số. Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần đổi mới về nội dung quảng bá du lịch, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị tin cậy và hợp tác đối với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân địa phương, vận động các doanh nghiệp du lịch (đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng) có các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng; cũng như có các biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan...
Đặc biệt, để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch đạt hiệu quả hơn, một điều cũng rất quan trọng là các đơn vị phải đẩy mạnh liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Các doanh nghiệp du lịch cần số hóa hệ thống thông tin về du khách, sản phẩm và dịch vụ; tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của du khách cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành sản phẩm...
Chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là hướng đến phát triển du lịch Thủ đô bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.