Đối ngoại

Tiếp nhận máy bay huấn luyện T-6C phù hợp khuôn khổ quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 21/11/2024 - 19:22

Chiều 21-11, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, giải đáp và thông tin về những vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

aviation_1.jpg
Một máy bay T-6C. Ảnh: The Aviation Geek Club

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mới đây Hoa Kỳ bàn giao máy bay huấn luyện T-6C cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2024, ngày 20-11 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện T-6C thế hệ mới do Hoa Kỳ sản xuất. Hoạt động hợp tác này nằm trong khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại nào can thiệp vào tỷ giá, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại nào, trong đó có Việt Nam, can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế tại báo cáo bán niên - báo cáo giữa năm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, có tên là Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, thời gian qua, trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

"Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ để qua đó tăng cường hiểu biết hơn nữa, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng thống Philippines ký ban hành Đạo luật các vùng biển, Đạo luật về luồng hàng hải vùng nước quần đảo của Philippines và việc Trung Quốc công bố thông báo tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, bãi tại Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm (UNCLOS) 1982”.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật và các quy định liên quan đến biển, phù hợp với UNCLOS 1982. Đồng thời, Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

“Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng trên các vùng biển của mình. Việt Nam sẵn sàng cùng các bên giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982” – Người phát ngôn Bộ ngoại giao khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nhận máy bay huấn luyện T-6C phù hợp khuôn khổ quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.