Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác vì khát vọng hòa bình

Vân Khanh| 22/09/2011 06:37

(HNM) - Kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung khối thuốc nổ cuốn trong chiếc khăn đội đầu truyền thống của đạo Hồi, cướp đi mạng sống của cựu Tổng thống Afghanistan - hiện là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình tối cao nước này - Burhanuddin Rabbani.

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án vụ ám sát chính trị gia có ảnh hưởng lớn trong tiến trình hòa bình của quốc gia Nam Á vào đúng thời điểm Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 khai mạc Hội nghị cấp cao về hợp tác quốc tế chống khủng bố tại thành phố New York (Mỹ).

Cựu Tổng thống-Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan, ông Burhanuddin Rabbani. (Nguồn: Internet)

Khi dư âm lễ tưởng niệm 10 năm thảm kịch 11-9 tại Mỹ vẫn còn, cuộc tập hợp của các nhà lãnh đạo thế giới tại New York một lần nữa khẳng định cam kết của nhân loại: Quyết tâm chống khủng bố và xây dựng một thế giới an toàn cho tất cả mọi người.

Thời khắc hàng trăm hành khách trên 3 chiếc máy bay thương mại được các phần tử cực đoan sử dụng thành những khối bom người đã đánh dấu một ngày đen tối không phải của riêng nước Mỹ mà của lịch sử loài người. Kể từ đây, khái niệm khủng bố, dù đã xuất hiện nhưng vẫn lờ mờ như một bóng ma ẩn dật ở xa xôi trước đó, đã chính thức lộ diện một cách rõ ràng như một lời thách thức với nhân loại tiến bộ. Cũng từ giây phút bầu trời trong xanh của New York biến thành màn đêm u tối, một giai đoạn hoàn toàn mới của khủng bố quốc tế đã bắt đầu. Bỏ qua mọi quy chuẩn về đạo đức, đảo lộn tất cả các nguyên tắc cơ bản về nhân đạo, thứ công cụ đầy sát khí này đã trở thành một chiến lược chủ chốt của chủ nghĩa cực đoan toàn cầu. Thế nhưng, sự kiện gây chấn động ngay vào những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba cũng đã đưa con người bước vào một kỷ nguyên mới của hợp tác chống khủng bố trên bình diện quốc tế chưa từng có tiền lệ. Hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu tại Indonesia, Ấn Độ, Nga, Anh... trong một thập kỷ qua khiến các quốc gia nhận ra rằng, khủng bố là một trong những mối đe dọa an ninh phi truyền thống nhưng nghiêm trọng nhất với sự ổn định ở từng đất nước và trên toàn thế giới. Tính cấp thiết của việc cần có sự phối hợp rộng lớn nhằm chống lại những âm mưu táo tợn và điên cuồng của những kẻ cực đoan nhằm vào thường dân đã đoàn kết hầu hết các quốc gia dưới ngọn cờ chung là loại bỏ khủng bố khỏi đời sống. Hiếm khi nào, thay vì những bất đồng lẫn nhau hay xung đột nội bộ, các nước đã chuyển sang ủng hộ và hợp tác trên mặt trận chống khủng bố mới mẻ và đầy khó khăn.

Sự gắn kết và quyết tâm chiến đấu với kẻ thù chung của nhân loại đã được thể hiện với sự kiện thông qua Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc cách đây 5 năm. Tất nhiên, trước cả thời điểm đó, những cung bậc khác nhau của cuộc chiến chống khủng bố mà thế giới hiện đại chưa từng đối mặt đã được khai hỏa trên những trận địa khốc liệt nhất của hành tinh. Cùng lúc đó, các vụ đánh bom, tấn công và bắt cóc... với vô vàn những biến tướng khác nhau vẫn tiếp tục mở rộng ở nhiều địa điểm trên thế giới như để khẳng định chủ nghĩa khủng bố như những vòi bạch tuộc đang có cơ vươn ra khắp nơi, châm ngòi cho không ít hoài nghi về cuộc chiến không quy ước này.

Song, phải khẳng định ngay rằng, cuộc chiến với những kẻ cực đoan trong bóng tối là không thể đảo ngược nhằm xây dựng một thế giới hòa bình hơn. Lời kêu gọi mới nhất từ New York của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong hội nghị về chống khủng bố rằng cần phải có những nỗ lực hơn nữa để có thể đưa ra Hiệp định toàn diện chống khủng bố sẽ là đích đến tiếp theo của cam kết chính trị giữa các quốc gia để đối phó với các phần tử cực đoan trên quy mô toàn cầu. Có nhiều hy vọng rằng Trung tâm Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNCCT) tại New York được thành lập trong thời gian tới sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động hiệu quả nhất nhằm chống lại chủ nghĩa ghê sợ này.

Mặc dù vậy, những chiến tích và cả tổn thất trong cuộc chiến với lực lượng khủng bố cả thập kỷ qua làm chúng ta hiểu rằng súng đạn dù là biện pháp an ninh bắt buộc nhưng không thể là duy nhất để diệt trừ tận gốc những mầm mống của chủ nghĩa cực đoan. Người đứng đầu LHQ Ban Ki-moon vào lúc này đã kêu gọi các quốc gia, với sự vào cuộc của các công cụ xã hội từ giáo dục, kinh tế đến chính trị... trong cuộc đối đầu không khoan nhượng và cam go đang tiếp diễn trong trận chiến mà nhân loại nhất định sẽ theo đuổi nhằm diệt trừ tận gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác vì khát vọng hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.