(HNM) - Hàng loạt vấn đề quan trọng của kinh tế thế giới như căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, già hóa dân số, hệ thống thuế quốc tế... đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản).
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 thảo luận nhiều vấn đề nổi cộm của kinh tế thế giới. |
Đây cũng chính là thách thức mà những chủ thể được coi là động lực của tăng trưởng toàn cầu cần nhanh chóng giải quyết nhằm hướng tới một nền tài chính minh bạch, ổn định và thúc đẩy tự do thương mại trên nền tảng an ninh và thịnh vượng chung.
Diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, vấn đề tranh chấp thương mại giữa các cường quốc kinh tế thế giới là một nội dung trọng tâm trong các cuộc thảo luận, đối thoại tại hội nghị này. Các quan chức G20 nhất trí nhấn mạnh rằng, căng thẳng đang ở mức độ nghiêm trọng khi Chính phủ Mỹ cũng không ngần ngại sử dụng sức ép thuế quan và giữ lập trường cứng rắn đối với các nước láng giềng như Mexico, Canada và các nước đồng minh thân thiết.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ duy trì ổn định trong 6 tháng cuối năm nay, song những nguy cơ vẫn hiện hữu. Lòng tin của các nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng nếu những tranh chấp thương mại chưa được giải quyết triệt để. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các biện pháp thuế quan nhằm trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,5% trong năm 2020 và đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Tuy nhiên, cách thức hóa giải vấn đề này lại không được đề cập trong Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị. Các nguồn tin tại hội nghị cho biết, việc xóa bỏ nội dung về giải quyết tranh chấp thương mại xuất phát từ sức ép của Mỹ, với mục đích né tránh những rào cản trong quá trình tăng thuế với các mặt hàng của Trung Quốc.
Sau hai ngày làm việc, nhóm G20 cũng nhất trí xem xét lại cơ chế áp thuế và cải cách hệ thống thuế toàn cầu với sự nổi lên của những "gã khổng lồ" công nghệ đa quốc gia như Google, Facebook. Đã có nhiều chỉ trích về việc các công ty này thu lợi nhuận trên toàn thế giới nhưng lại chỉ phải đóng khoản thuế ít ỏi bằng cách chuyển dữ liệu xuyên biên giới và đặt trụ sở tại các nước đánh thuế thấp. Theo kế hoạch, các tập đoàn công nghệ này sẽ phải đóng thuế cho tất cả các quốc gia có sự hiện diện của dịch vụ hay sản phẩm của tập đoàn đó, với một thỏa thuận cụ thể.
Bên cạnh đó, các quan chức G20 cho rằng những thay đổi về dân số đang đặt ra thách thức, đòi hỏi sự phối hợp về chính sách tài chính của tất cả các nước thành viên. Vấn đề liên quan đến người cao tuổi lần đầu tiên cũng được G20 đưa ra bàn thảo tại hội nghị diễn ra ở Nhật Bản - quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số.
Là những quốc gia phát triển năng động với quy mô gần 90% GDP toàn cầu, chiếm 2/3 dân số thế giới và đóng góp tới 80% các giao dịch thương mại quốc tế, các hội nghị G20 luôn được đặc biệt quan tâm bởi tầm ảnh hưởng của những quyết sách được đưa ra. Hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cũng chính là chủ đề trọng tâm, xuyên suốt trong các cuộc thảo luận của G20 trong năm nay. Dù còn nhiều bất đồng song hội nghị tại Fukuoka vẫn được ghi nhận là kênh đối thoại hiệu quả, bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại thành phố Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.