(HNM) - Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019, Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã được tổ chức; trong đó phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì...
Năm 2018 đã đi qua với nhiều kết quả đầy cảm xúc từ những biện pháp, hành động quyết liệt. Kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều rào cản, môi trường đầu tư tiếp tục cải thiện, cùng với các thiết chế kinh tế mới được xây dựng để tham gia hiệu quả vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Không những hoàn thành tất cả mà còn có 9/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch; GDP tăng trưởng 7,08%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua... Đây không chỉ là tín hiệu khẳng định những chính sách đúng đắn, hiệu quả của Chính phủ thời gian qua, mà còn là nền tảng để kinh tế năm 2019 bứt phá, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ 2016-2021.
Nền tảng vững vàng này càng được củng cố khi ngay đầu năm mới 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, những thông lệ, chuẩn mực, bài học kinh nghiệm của quốc tế về cải cách và phát triển, về quản trị và huy động vốn được trao đổi tại diễn đàn kinh tế 2019 mang lại những giá trị thực tiễn lớn. Từ những kinh nghiệm được đúc rút, trao đổi tại diễn đàn, Chính phủ, các cơ quan quản lý có được đánh giá, nhận định về nền kinh tế hiện tại và triển vọng trong trung hạn; nhìn rõ hơn những cơ hội, khó khăn và thách thức. Thông qua diễn đàn, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét hoàn thiện thể chế, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm…
Có thể thấy, thời gian qua, mặc dù việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển đã đạt được nhiều thành công, song, trong năm 2019, vấn đề này vẫn đang đòi hỏi phải tiếp tục có những bước đột phá hơn nữa để phát huy hiệu quả; đưa việc nâng cao năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều đó, từ các bộ, ngành, đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nỗ lực, sáng tạo để năm 2019 phải hơn năm 2018. Bởi chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới; thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hóa, kéo theo đó là những thay đổi trong phương thức kinh doanh, nên bên cạnh việc ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá về thể chế, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung nâng cao năng suất lao động. Trong vô số những vấn đề đang đặt ra, doanh nghiệp có thể tìm thấy đâu là mục tiêu trọng điểm, bức thiết cần tập trung khai thác từ những kinh nghiệm rút ra từ diễn đàn này.
Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, sẽ từng bước hóa giải, huy động mọi nguồn lực để bứt phá, đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, bền vững trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.