Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họp khẩn bàn kế hoạch “đối phó” với cúm H7N9

Hưng Thịnh| 13/02/2014 18:27

(HNMO)- Ngày 13-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm trung ương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thông qua kế hoạch “đối phó” với cúm H7N9.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT), Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan đã theo dõi sát sao tình hình trong khu vực và trên thế giới. Ông Phát nhấn mạnh: Trước tình trạng lây nhiễm cao H7N9 cần phải có một kế hoạch đồng bộ hơn, rà soát các biện pháp đảm bảo có hiệu quả hơn. Do đó, hội nghị hôm nay cần bàn kế hoạch triển khai quyết liệt, tối đa để ngăn ngừa sự lây lan. Việt Nam sẵn sàng đối phó với tình huống virus H7N9 xuất hiện.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, Phạm Văn Đông: H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh ở triệu chứng lâm sàng trên gia cầm, tuy nhiên lại lây truyền từ gia cầm sang người và gây bệnh cho người với tỷ lệ chết cao. Virus cúm tồn tại và lây truyền giống Virus cúm H5N1 thường được phát hiện tại nơi tập trung gia cầm, bao gồm cả chợ buôn bán, có phương thức quản lý yếu kém về điều kiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Hiện tại các chợ gia cầm ở Trung Quốc tỷ lệ mẫu gà dương tính virus cúm H7N9 nhiều hơn các loại khác, đồng thời, nhiều mẫu môi trường như phân, chất thải, nước thải… cũng phát hiện loại virus này. Ngoài ra, có một lượng mẫu nhỏ ở vịt, chim bồ câu phát hiện dương tính virus này.

Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus cúm H7N9


Cũng theo Cục Thú y, tại Trung Quốc trường hợp nhiệm H7N9 được phát hiện đầu tiên vào tháng 3-2003, sau đó lây lan ra các tỉnh, thành tại nước này. Hiện, Bộ Y tế nước này ghi nhận 330 ca bệnh, trong đó có trên 70 ca tử vong tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Hiện virus này được phát hiện trên gia cầm và người ở Quảng Tây, giáp biên giới 4 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Tuy nhiên, virus này chưa phát hiện thấy trên gia cầm và người ở Việt Nam.

Trước tình hình trên, Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp để đối phó với chủng virus cúm H7N9, như: giám sát các chợ gia cầm sống có sự hiện diện của virus này; 10% số mẫu xét nghiệm có dương tính; đóng cửa tạm thời các chợ buôn bán gia cầm; giảm tỷ lệ nhiễm virus ở gia cầm và giảm rủi ro lây nhiễm cho người. Một số chợ có virus bị đóng cửa trong 10 tuần. Ở những nơi có ca bệnh trên người, việc đóng cửa các chợ có hiệu quả ngay lập tức; bên cạnh đó, một số chợ sau khi mở cửa trở lại nhưng phải áp dụng các biện pháp bắt buộc như chợ bán buôn mỗi tuần đóng cửa chợ 1 ngày, chợ bán lẻ 2 tuần đóng cửa 1 ngày, đồng thời áp dụng truy xuất nguồn gốc toàn bộ gia cầm bán tại chợ; thiết lập việc lưu trữ hồ sơ mua bán gia cầm; tổ chức vệ sinh tiêu độc thường xuyên; chuyển ra xa khu dân cư..

Nguy cơ virus H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía bắc và các tỉnh, thành phố có liên quan đến tiêu thụ gia cầm lớn. Không chỉ có Việt Nam, mà một số nước láng giềng như Lào, Myanmar cũng có nguy cơ lây nhiễm cao với virus này. Vì vậy, phải có kế hoạch hành động kịp thời, quyết liệt với loại virus này nếu xảy ra ở Việt Nam. Mục tiêu của kế hoạch là chủ động phát hiện và ứng phó nhằm giảm thiểu sự xâm nhập của virus này vào Việt Nam.

Kế hoạch hành động là giảm thiểu nguy cơ virus cúm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm bất hợp pháp; giảm thiểu nguy cơ virus lây nhiễm cho đàn gia cầm và người; giảm thiểu tác động tiêu cực cho nền kinh tế và xã hội, sức khỏe con người.

Giải pháp chung là phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT, Y tế, Công an, Quốc phòng… và các tổ chức quốc tế nhằm triển khai toàn diện, hiệu quả.

4 tình huống đặt ra:

-Tình huống 1: Chưa phát hiện virus cúm trên gia cầm và người.

-Tình huống 2: Chưa phát hiện virus trên gia cầm, môi trường nhưng có người mắc bệnh.

-Tình huống 3: Phát hiện virus trên gia cầm và môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh.

-Tình huống 4: phát hiện virus cúm trên gia cầm hoặc môi trường và người cũng mắc bệnh. Tình huống này là xấu nhất

Virus chưa gây triệu chứng lâm sàng trên gia cầm nên phải chủ động lấy mẫu để xét nghiệm. Siết chặt gia cầm qua biên giới kể cả quà biếu, tặng. Đây là giải pháp ưu tiên số một hiện nay. Không cho thu gom, tập kết gia cầm ở vùng biên nhằm tránh hợp thức hóa gia cầm nhập lậu; một số đối tượng giết mổ gia cầm ở đường biên, đóng thùng xốp, chất lên phương tiện như xe con để vận chuyển sâu vào nội địa. Lấy mẫu gia cầm ở các chợ thu gom, tập kết, các mẫu môi trường ở địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh phía bắc, các địa phương có liên quan đến tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, còn có các biện pháp can thiệp đối với chợ: Định kỳ đóng cửa chợ để tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; sau mỗi buổi chợ phải vệ sinh, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc, người buôn bán, vận chuyển phải sử dụng trang thiết bị bảo hộ, vì ở Trung Quốc nhiều trường hợp mắc bệnh do tiếp xúc với gia cầm. Chợ có bán gia cầm phải tách riêng khu giết mổ với khu buôn bán gia cầm lông. Cục thú y cử 9 đoàn công tác đi 9 tỉnh kiểm tra tình hình phòng chống dịch, công tác triển khai lấy mẫu xét nghiệm…

Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo PCDCGC trung ương, các biện pháp triển khai sẽ tùy theo từng tình huống. Trong đó, nếu phát hiện virus cúm gia cầm H7N9 tại trên gia cầm, sẽ phân công đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Huy động tối đa nguồn lực từ các cơ quan thú y trung ương giám sát dịch tễ…; trường hợp phát hiện virus cúm trên các mẫu lấy tại chợ sẽ cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ dương tính trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus lưu hành; nếu phát hiện virus từ các trại chăn nuôi sẽ truy xuất ngược và xuôi đối với trại như gia cầm đã mua hoặc bán; tiêu hủy gia cầm trong trang trại, đóng chửa trang trại trong 21 ngày, tiêu độc khử trùng; nếu virus phát hiện tại nông hộ sẽ tổ chức tiêu độc, tạm dừng vận chuyển gia cầm trong thôn, bản…

Đáng lo ngại, theo thông tin gần như mỗi ngày đều có người nhiễm, tăng nhanh, 4 người nhiễm thì 1 người tử vong, chứng tỏ độc lực cao. Có sự khác biệt giữa H5N1 và H7N9: virus tồn tại trên gia cầm, chim hoang và cả trong môi trường nếu H5N1 làm gia cầm chết, có triệu chứng lâm sàng nhưng virus H7N9 hầu hết gia cầm nhiễm không có triệu chứng, không chết gia cầm nên chúng ta chỉ có thể biết được có virus hay không bằng cách xét nghiệm. Bởi vậy, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam hàng ngày, hàng giờ là rất lớn. Do đó, việc phòng chống chỉ thành công khi chúng ta hợp tác chặt chẽ nhất, cởi mở, minh bạch với các tổ chức quốc tế.

Cần biết rằng, virus này tích lũy ở một mật độ nhất định, tạo nguy cơ cao lây nhiễm sang người, chưa có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người, nhưng khi có trên virus và môi trường thì người bị nhiễm sẽ rất cao. Vì thế, cố gắng bằng mọi biện pháp cao nhất ngăn không cho virus cúm này xâm nhập vào Việt Nam.

Đại diện FAO đã đưa ra một số lưu ý: Ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, thực hiện diễn tập từ TW tới địa phương là rất cần thiết. Các hoạt động về truyền thông rủi ro rất quan trọng, đặc biệt tại các tuyến tỉnh, biên giới và chợ. Đặc biệt, ở địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh vùng biên. Các chợ ở Việt Nam có đặc điểm khác nhau (có chợ điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, có chợ kém); hoạt động khử trùng, vệ sinh phải phù hợp, đáp ứng với điều kiện các chợ. Đóng cửa tạm thời các chợ cũng là giải pháp quan trọng giúp khoanh vùng, giảm thiểu nguy cơ lây lan. Ngoài H7N9, phải đối mặt với nhiều chủng virus khác đang diễn biến phức tạp, cần có kế hoạch dài hơi hơn. Tại Trung Quốc tác động kinh tế do dịch cúm H7N9 lên đến 26 tỷ USD. Còn ở Việt Nam phát hiện sớm, ứng phó sớm sẽ giảm thiểu tác động về kinh tế.

Đại diện WHO cho rằng: “Theo đánh giá của chúng tôi, nguy cơ H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là có, đặc biệt trên người. Những nỗ lực kiểm soát virus này là vô cùng quan trọng. WHO không có chuyên môn trong việc kiểm soát virus này trong ngành thú y nhưng sẽ phối hợp chặt với FAO để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp khẩn bàn kế hoạch “đối phó” với cúm H7N9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.