Tôi đang lang thang tìm tư liệu ở vùng biển Hạ Long, thì Tổng Biên tập điện thoại nhắn về tòa soạn ở Hà Nội gấp: “Có việc cần”, mà không thêm một lời giải thích. Chạy xe hơn 200km, về đến tòa soạn, không dám nghỉ, tôi vội lên gặp Tổng Biên tập.
- Đơn giản thôi. Anh có một lời nhờ cậy của người bạn vong niên xa xứ, ông ta muốn giúp đỡ cho con hoàn tất luận văn về Hà Nội. Trong tòa báo, anh thấy cậu có nhiều hiểu biết về Hà Nội…
Trên đường ra sân bay, tôi được nghe giới thiệu sơ lược vị khách đặc biệt sắp đón của tôi. Một cô gái Việt Nam, sinh viên năm cuối, sinh trưởng ở nước ngoài, không biết tiếng Việt, lần đầu về Việt Nam, đang chuẩn bị tư liệu làm luận văn đề tài “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Tổng Biên tập của tôi là người bố mẹ cô ta tin cậy nhất ở Việt Nam. Và vì Tổng Biên tập cũng quá bận rộn lại rất tin cậy tôi nên trao sứ mạng khó khăn này với niềm tin tưởng tuyệt đối… Ghé vào quầy bán hoa, tôi chọn mua một bó hồng thật đẹp. Dù sao, khách là một cô gái... Còn tôi, hồi hộp chờ… từng phút trôi qua.
- Cháu chào chú Nguyễn. Một giọng nói hoàn toàn Hà Nội, êm mượt…
Cả tôi và Tổng Biên tập cùng quay ngang. Một thiếu nữ mảnh mai, dong dỏng cao, tóc dài loăn xoăn bồng bềnh, đôi mắt to tròn, trong veo, váy len dài mỏng màu hồng phấn, như một búp sen nõn nà, mỉm cười, nụ cười được xoáy đồng tiền điểm xuyết đẹp như tranh, hướng về phía chúng tôi.
- Hồng Hà! Mấy năm rồi không gặp. Cháu đã lớn và đẹp thế sao? Và còn nói được tiếng Việt?
Một thoáng phụng phịu hờn dỗi như trẻ thơ.
Quay cái nhìn sang tôi, ánh mắt hỏi thầm.
- Đây là anh Trần, phóng viên của báo, anh ấy sẽ giúp cháu tìm hiểu Hà Nội. Cháu có thể yên tâm với người hướng dẫn tuyệt vời này… Còn đây là Hồng Hà, con gái người bạn…
Tôi mất hẳn cái vẻ tự nhiên vốn có hằng ngày của một tên phóng viên chuyên “đi bụi”. Lúng túng trao bó hoa, và như chàng ngốc tay thừa, chân thừa. Em ôm bó hoa, cảm ơn tôi, nhìn thẳng vào tôi, nói chậm từng tiếng:
- Em rất vui được gặp anh. Anh sẽ đưa em đi hết Hà Nội nhé.
Đường về Hà Nội, tôi ngồi băng ghế trước, im lặng nghe em nói, quan sát em bằng cảm giác, người lâng lâng khó tả, cộng một chút băn khoăn, tôi sẽ giúp em như thế nào đây? Và em, cô gái Việt sinh ra trên xứ người có giọng Hà Nội hấp dẫn đến kỳ lạ… Tôi sẽ ứng xử thế nào đây?
Ngày hôm sau, tôi đến gặp em, bắt đầu vai trò “người hướng dẫn”. Kể từ giờ phút đó, cái tên Hồng Hà như một dòng chảy ngầm, xáo trộn cuộc sống của tôi, tâm hồn tôi, đem đến trái tim những dịu ngọt tôi không sao quên được.
Cuộc “hành trình tìm dấu vết xưa và nay Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, như lời nói vui của tôi và em, bắt đầu bằng những bước chân quanh Hồ Gươm. Ngay buổi sáng đầu, em đã đòi tôi phải đưa đi mua bản đồ Hà Nội, dù tôi nói rằng nơi đây thuộc như lòng bàn tay. Cầm bản đồ trên tay, em hỏi tôi: “Chỗ mình đứng là ở đâu?”. Tôi chấm một nét mực, em thích thú vẽ luôn hai hình người bé tí, một trai một gái nắm tay nhau, dợm chân bước theo chiều mũi tên dọc Hồ Gươm. Em nói đó là tôi và em..
Tôi đã kể cho em nghe những gì liên quan đến Hồ Gươm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên… Đi giáp một vòng hồ, khi dừng chân bên tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, em chầm chậm nói:
- Chỉ chưa đầy 2km chu vi mà dày đặc huyền thoại, truyền thuyết, sự tích tồn tại, sống cùng trời đất nơi này. Thế thì cả Hà Nội, mỗi viên gạch, mỗi bước chân là một câu chuyện về Hà Nội. Biết bao giờ kể mới hết.
Rồi em chợt hỏi tôi:
- Anh sẽ viết gì bằng ngọn bút “viết vào trời xanh” kia?
- Nếu là em, em viết gì?
- Em sẽ viết hết những huyền thoại, truyền thuyết, những câu chuyện xưa nay về Hà Nội, đất và người, để vĩnh viễn in trên mây trời, để bất cứ người Việt nào dù ở tận cùng trời cuối đất, nhìn lên bầu trời mây đều như thấy cả Hà Nội.
Ngôn ngữ của em diễn đạt rất tự nhiên, nhưng cảm nhận của em về Hà Nội, dù chỉ mới qua những giờ phút đầu đã thật tinh tế, đầy cảm xúc. Chỉ có thể có ở một tâm hồn mang sẵn tình yêu Hà Nội trong tiềm thức.
Tôi đưa em đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên. Em lắng nghe tôi nói và quan sát rất kỹ lưỡng, đặc biệt là những hàng bia đá trên lưng Rùa, chăm chú một lúc lâu, em níu tôi hỏi:
- Anh ơi, tại sao không ông Rùa nào giống nhau. Ông cúi đầu, ông ngoảnh mặt, ông ngóc đầu cao, ông vươn cổ, có ông to ông bé, ông nhắm mắt, ông há miệng… Ông Rùa Hồ Gươm có giống các ông Rùa ở đây? Trên vài tấm bia có mấy dòng chữ bị xóa, những chữ đó nói gì, tại sao bị xóa?
Tôi toát mồ hôi hột, dù trời Hà Nội cuối thu se se lạnh. Tôi chưa nghe ai hỏi như thế bao giờ. Tôi không đủ dữ liệu để trả lời các câu hỏi đó. Đành khất lại…
- “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…” - Em đọc với chất giọng mà với tôi không thể nghe ai đọc hay hơn. - Hồi bé, em thường nghe mẹ đọc, rồi ngân nga như hát, em không hiểu, nhưng nghe rất du dương. Sau này hỏi mẹ, mẹ nói đó là câu hát về quê hương, là nhà của mẹ. Anh đưa em đi đến đó nhé.
Tôi đã đưa em đến nơi câu ca dao nằm lòng của Hà Nội xưa, giải thích cặn kẽ ý nghĩa câu ca, những địa danh một thời vang bóng. Và may mà trong ồn ào quay cuồng của thời “kinh tế thị trường” hôm nay, nơi ấy vẫn còn giữ được phảng phất hồn xưa bóng cổ. Nhưng có lẽ tôi phải cảm ơn em, chính em đã đánh thức trong tôi những góc kín bị che lấp, chai mòn bởi cuộc sống phù phiếm, bon chen vật vã nghiệt ngã, tình cảm với Hà Nội nhen nhóm lại như ngọn lửa ấm áp, những tưởng đã bị tắt đi không còn cảm xúc gì với các giá trị tinh thần mà thời buổi này bị xếp như một thứ xa xỉ phẩm trong bảo tàng. Em, cô gái Việt sinh ra và lớn lên ở xứ người, mỗi bước chân “về nhà” lần đầu, như em hay nói, chỉ biết Hà Nội qua lời bố mẹ kể trong ký ức và hoài niệm, thế mà em đắm say từng viên gạch lát đường phố cổ, si mê những vòm lá đan nhau che ô những vỉa hè, say sưa với những huyền thoại, truyền thuyết về Hà Nội nghìn năm tuổi tinh tế, sâu sắc đến lạ lùng.
Một chiều ngắm hoàng hôn trên bờ đê sông Hồng. Mùa nước lớn, con sông đỏ ngầu, sóng cồn lớp lớp đuổi nhau cuốn băng băng, nhìn dòng sông vừa hoang dại vừa dũng mãnh trái ngược với những hàng tre xanh ngắt hiền hòa bao bọc các thôn làng ven sông. Ngồi giữa vuông cỏ mượt bờ đê, em ngây ngất ngắm vẻ đẹp dữ dội của sông, cạnh bên chỗ tôi và em là mấy chú bò thong thả gặm cỏ, lơ đãng nhìn mặt trời rơi xuống bên kia dãy núi xa mờ…
Bố mẹ em là người Hà Nội, lưu lạc xứ người hơn nửa thế kỷ, tất cả tình yêu Hà Nội, ký ức về quê nhà họ dồn vào cô con gái xinh đẹp Hồng Hà như một ký ức với Hà Nội thuở ấu thơ, như trái tim họ luôn hướng về Hà Nội.
- Bố mẹ em hay kể cho em nghe về Hà Nội, em đã hình dung trong trí tưởng tượng Hà Nội như một kinh thành cổ đầy bí ẩn, có lúc như một pháo đài kiên cường không chịu khuất phục kẻ thù nào. Có khi Hà Nội trong em đẹp như bài thơ…, nhưng em không thể tưởng tượng Hà Nội thật sự có hình dáng ra sao. Mấy năm trước chú Nguyễn qua chơi, nói em phải nói được tiếng Việt mới cho “về nhà”, về Hà Nội. Khi em chọn đề tài cho luận văn, Hà Nội là cái tên cháy bỏng trong em. Em là người Hà Nội, em phải “về nhà”. Em yêu Hà Nội.
Hồng Hà… Em cũng là một dòng sông trong tôi, riêng của tôi lúc này.
Ngày cuối, tôi đưa em đến ngôi nhà của tôi, ở ngoại thành Hà Nội, có vườn cây và rất nhiều hoa. Đó cũng là những khoảnh khắc thơ mộng tuyệt vời của tôi và em trước lúc xa. Vườn đang mùa quả, táo, ổi, hồng, na… trĩu cành, tỏa mùi thơm, tiếng chim ríu rít rộn ràng. Em vừa ăn quả, vừa chạy quanh các gốc cây, vừa nói: “Hà Nội vườn anh ăn ngon quá. Ước gì em được thế này mãi”… Một thoáng thẫn thờ trong tôi. “Ừ… ước gì cứ thế này…”. Tôi lấy đàn ra, hát tặng em như món quà nhỏ để tạm biệt. “Người Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Nhớ về Hà Nội”, “Hà Nội mùa thu”…. Tôi muốn em sẽ đem sang bên kia đại dương những giai điệu Hà Nội… Em bên tôi, đôi mắt to tròn trong veo như trẻ thơ, nhìn hun hút. Cảm giác như không phải em nghe bằng tai. Em nghe bằng trái tim… …
Thư em từ bên kia đại dương: “Anh Trần… Em nhớ Hà Nội”.
Còn tôi, Hồng Hà, dòng sông chảy ngầm trong tim tôi. Tôi cũng nhớ em. Nhớ hình vẽ hai người tay trong tay nhau vòng quanh Hà Nội trên tấm bản đồ. Nhớ những câu hỏi kỳ lạ của em về Hà Nội. Nhớ nụ cười có cái xoáy đồng tiền đóng dấu trong tôi. Nhớ đôi mắt to tròn trong veo như trẻ thơ hút hồn tôi, và nhớ đến ngẩn ngơ giọng em, giọng nói Hà Nội êm mượt dịu nhẹ đến lạ lùng không giống bất kỳ ai của em.
Tôi mong em trở về… “Về nhà” như cách nói của em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.