(HNM) - Thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều xe taxi biển kiểm soát Hà Nội nhưng lại đăng ký phù hiệu taxi của các tỉnh, thành phố khác để hoạt động trên địa bàn Thủ đô.
Láo nháo phù hiệu
Hà Nội hiện có khoảng 17.400 xe taxi. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý khoảng 10.000 trường hợp taxi vi phạm, tạm giữ trên 8.000 bộ giấy tờ xe và hơn 300 phương tiện. Lỗi mắc nhiều nhất là dừng đỗ sai quy định để đón trả khách, biển kiểm soát xe cấp một đằng, phù hiệu taxi ghi một nẻo, lái xe hầu như không có chứng chỉ tập huấn hành nghề, lái xe mới có bằng hoặc từ lái xe tải chuyển sang...
Lực lượng chức năng kiểm tra xe taxi. |
Ông Đào Tiến Dũng, nhà số 23, đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) vẫn chưa hết bực bội khi nhớ lại chuyến taxi mình mới đi mấy hôm trước. Không những phải trả tiền cao hơn cho cùng một đoạn đường so với hãng taxi khác, khi để quên điện thoại trên xe, ông gọi cho tổng đài và tìm đến công ty quản lý xe taxi đó, nhân viên trực tổng đài trả lời: "Đây là taxi cổ phần, họ đóng tiền, lấy biển hiệu và hành nghề, nên bây giờ ông hỏi thì cũng không biết là xe nào để mà lấy lại".
Một lỗi phổ biến khác là lái xe taxi nhưng không có bằng lái; đồng hồ tính cước không qua kiểm định, không có kẹp chì, niêm phong, những thứ này đặt trên xe chỉ để bịp hành khách… Đáng nói là thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng, có rất nhiều xe đăng ký biển số xe ở Hà Nội, đăng ký hoạt động taxi ở các tỉnh khác, nhưng lại thường xuyên hoạt động ở địa bàn Hà Nội, một số khác thì lại phô tô phù hiệu, hoặc sử dụng biển số khác để hoạt động chui. "Văn phòng của chủ xe này là ở Hà Nội, đăng ký ở trên Vĩnh Phúc là chung nhau thương hiệu và công ty ở trên Vĩnh Phúc luôn. Vì công ty em được tổ chức thành hợp tác xã vận tải nên là đã xin được cấp biển, phù hiệu ở 2 tỉnh, ở Hà Nội và Bắc Ninh, xe của Hợp tác xã vận tải Sông Hồng…" - Một tài xế taxi vi phạm lỗi xe đăng ký biển số Hà Nội, nhưng đăng ký phù hiệu một hãng taxi ở Vĩnh Phúc lý giải khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ.
Trong đợt kiểm tra, truy quét taxi dù của Thanh tra giao thông thành phố vừa qua, lực lượng kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm là đăng ký phù hiệu ở tỉnh khác, nhưng lại hoạt động taxi ở thành phố Hà Nội. Điển hình như Công ty Hà Anh do tỉnh Ninh Bình cấp phù hiệu, công ty này có vài chục xe, không hề đăng ký xin phù hiệu hoạt động taxi của Hà Nội nhưng lại hoạt động hoàn toàn trên địa bàn Thủ đô. Hợp tác xã vận tải Sông Hồng, đăng ký kinh doanh ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng mang xe về Hà Nội chạy taxi...
Lợi nhuận sinh... lách luật, làm liều
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết: Chế tài xử lý các lỗi vi phạm về luật giao thông hiện đã có sức răn đe, nhưng cơ chế quản lý doanh nghiệp hoạt động taxi hiện nay chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hoạt động taxi nhưng lại manh mún về quy mô, khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Hoạt động kinh doanh taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng những "điều kiện" hiện nay còn đơn giản, nên các doanh nghiệp dễ dàng cho thuê thương hiệu để thu tiền, thay vì đầu tư phát triển một cách bài bản. Theo ông Mạnh, với những doanh nghiệp nhỏ quá, nên mạnh dạn dẹp bỏ, liên kết, sáp nhập hình thành doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, cần thực hiện ngay quy định về mỗi hãng taxi phải có một màu sơn riêng để thuận tiện cho việc quản lý. Chúng ta không cần quá nhiều doanh nghiệp mà nên gói gọn vào các doanh nghiệp lớn, họ có đủ sức, đủ tiềm năng và có bộ máy để bảo đảm hoạt động taxi của hãng thì chúng ta mới cho thành lập. Song song với việc quy định trách nhiệm của lái xe thì cũng phải quy định và có chế tài chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các doanh nghiệp, như thế thì việc gắn trách nhiệm mới được cao hơn - Ông Mạnh nói.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, lợi nhuận thu về hàng tháng nhờ số kinh phí từ bán "thương hiệu" không hề nhỏ đã góp phần… làm taxi hoạt động bát nháo. Tùy theo từng đơn vị, trung bình giá thuê tổng đài, biển hiệu, logo taxi của các hãng taxi ở Hà Nội hiện dao động từ một triệu rưỡi đến 3 triệu đồng/tháng/xe. Hằng tháng, mỗi xe chỉ phải nộp về công ty một khoản phí này, còn lại hoạt động kiểu gì, không ai quan tâm.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, sở dĩ có tình trạng nhà nhà kinh doanh taxi là do lợi nhuận từ hoạt động này rất lớn, thủ tục cấp phép kinh doanh taxi quá thông thoáng. Chỉ cần có vài xe ô tô, đăng ký lập doanh nghiệp là được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu để kinh doanh taxi. Hãng không mất chi phí nhiều, chỉ cần cho thuê logo, phù hiệu, bộ đàm và hằng tháng cứ việc thu tiền. Đây chính là lỗ hổng để các doanh nghiệp lách luật, chiếm đoạt thuế, dẫn đến sự bát nháo trong hoạt động. Tình trạng tiền cước mỗi hãng tính một kiểu cũng từ đây mà ra. "Vai trò của doanh nghiệp trong việc chống ùn tắc giao thông, chống việc chặt chém bắt chẹt khách là rất quan trọng, cũng phải xử lý cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào kiểm tra nhiều lần phát hiện có vi phạm thì phải đình chỉ hoạt động, phải nghiêm khắc chứ không chỉ nói mà không làm là không được…" - Ông Bùi Danh Liên kiến nghị.
Cũng theo ông Liên, nguyên nhân nữa làm cho tình trạng taxi ở Hà Nội lộn xộn, đó là các doanh nghiệp đang lợi dụng kẽ hở trong Luật Doanh nghiệp để hoạt động, vì theo luật thì họ được phép liên kết, mở chi nhánh ở các tỉnh. Hiện nay nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội khi không được cấp phép thêm đầu xe taxi đã mở chi nhánh liên kết ở các tỉnh và đưa xe vào hoạt động. Để hạn chế được việc này, cần phải kiểm soát được các xe ở tỉnh về hoạt động ở Hà Nội, và Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cũng cần phối hợp tốt với các tỉnh để giải quyết. Việc xe các tỉnh về Hà Nội, mang phù hiệu taxi, số điện thoại các tỉnh về Hà Nội hoạt động gây khó cho cơ quan quản lý. Bởi vì xe thì được phép lưu thông trong cả nước, không ai được cấm.
Cách đây 2 năm, sau khi đạt đến con số hơn 17.000 xe taxi, Hà Nội đã không cấp phép thêm cho hãng taxi nào hoạt động trên địa bàn. Cũng từ đó, các hãng taxi nghĩ ra chiêu mới nhập nhằng giữa biển kiểm soát và phù hiệu. Những quy định cấp phép hoạt động taxi không chặt chẽ tại Nghị định 91 và Thông tư 14 đã tạo ra kẽ hở cho vấn đề này tồn tại. Điều này đã không những không hạn chế được số lượng taxi hoạt động trên địa bàn mà còn làm gia tăng tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh taxi với con số ước tính đến nay là hơn 20.000 xe taxi hoạt động và ngày càng tạo áp lực lớn hơn cho giao thông thành phố.
Hoạt động của taxi đang ngày càng lộn xộn, khó kiểm soát, kiểm tra doanh nghiệp nào, thời điểm nào cũng phát hiện sai phạm. Chuyện hai đại biểu quốc tế tới dự Đại hội đồng Interpol bị lái xe taxi "trấn lột", hai vợ chồng du khách người Australia đi xe từ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đến Bảo tàng Dân tộc học bị bắt chẹt gần 1 triệu đồng mới đây là ví dụ điển hình. Thanh tra của Bộ Giao thông - Vận tải mới đây tiến hành thanh tra ngẫu nhiên 12 hãng taxi ở Hà Nội, đã quyết định đình chỉ 3 hãng taxi vi phạm. Nếu tiến hành thanh tra tổng thể hơn 100 hãng taxi còn lại thì không biết sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp tiếp tục bị đình chỉ? Vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.