(HNMO) - Sau bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn.
Trong buổi trả lời chất vấn sáng nay, dự kiến người đứng đầu ngành Nội vụ sẽ trả lời về các nhóm vấn đề: Thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ trả lời về việc đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của công chức, của người có thu nhập thấp; xem xét vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trưởng ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, giải đáp thắc mắc tình trạng buôn lậu có đẩy lùi được không mà ĐB chất vấn chiều qua.
Theo Phó Thủ tướng ở nước ta tình trạng này diễn ra trầm trọng, trong phạm vi rộng. Muốn chống buôn lậu tốt phải dựa vào dân, nâng cao ý thức người dân, người dân thượng tôn pháp luật, vận động người dân không tiêu thụ, bao che, tiếp tay buôn lậu. Tiếp đến là củng cố lực lượng chủ công chống buôn lậu là hải quan, công an, cảnh sát biển, ngành thuế..., trang bị phương tiện tốt cho lực lượng này; đồng thời phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có chủ trương bao che; có thái độ kiên quyết, xử lý nghiêm minh, đánh mạnh, trúng đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả. Cùng với đó là doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng tốt, chất lượng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chống buôn lậu; có thể chế cần thiết để phục vụ cho công tác này.
Mặc dù 9 tháng qua, nhiều vụ buôn lậu, làm hàng giả được bắt giữ nhưng nhưng hàng giả hàng lậu vẫn còn lọt vào thị trường nhiều. Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, những biện pháp cụ thể ở các địa phương cũng rất quan trọng, trước mắt là thời điểm trước Tết Nguyên đán tới.
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo giải trình thêm về quản lý giá, biện pháp bình ổn.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, thời gian tới tiếp tục thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của NN về điện, nước sạch, than...
Về xăng dầu, trước 1/11/2014, Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương điều hành giá mặt hàng này, 10 tháng qua điều hành tăng-giảm 25 lần. Sau 11/2104 Bộ Công thương chính thức điều hàng giá xăng dầu.
Về giá sữa, công bố giá tối đa của 25 mặt hàng sữa, tiếp đến Bộ đề nghị UBND các tỉnh, phố phối hợp công tác này. Bộ trưởng cho rằng, việc huy động hệ thống chính trị vào cuộc mới đạt kết quả. Thời gian tới, các mặt hàng đang quản lý tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải điều hành linh hoạt hơn.
Tham gia trả lời bổ sung về vấn đề công nghiệp phụ trợ mà ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thắc mắc, Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho rằng công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, có ngành này phát triển dù thu hút đầu tư nước ngoài nhiều cũng không phát triển. Đây là lĩnh vực rất khó vì khái niệm thế nào là phụ trợ vẫn còn tranh luận. Theo ông, phát triển công nghiệp phụ trợ là phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN tư nhân) nếu chính sách không đề cập mảng này sẽ là sai lầm. Vì vậy, VN cần có lực lượng DN vừa và nhỏ mạnh.
|
Theo Bộ trưởng, chúng ta phải tạo sự thông thoáng để môi trường kinh doanh minh bạch, người dân không gửi tiền ở ngân hàng mà đầu tư vào doanh nghiệp, vì vậy cải thiện môi trường kinh doanh cần tốt hơn; chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; phát triển thị trường; giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp này cạnh tranh... Đây là những vấn đề then chốt, tổng hợp để phát triển công nghiệp phụ trợ.
Trả lời thắc mắc mà ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu về thiếu cơ chế giá điện, năng lượng tái tạo, điện sinh khối, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận chưa có hướng dẫn về mua-bán đối với điện sinh khối. Thời gian tới sẽ báo cáo để đưa ra sớm nhất.
Về công nghiệp hỗ trợ mà ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn, theo Bộ trưởng việc xây dựng cơ chế chính sách với lĩnh vực này chậm. Thời gian tới, Bộ sẽ có các biện pháp khắc phục sự chậm chễ này, trước hết là đề nghị CP sớm xem xét dự thảo NĐ công nghiệp hỗ trợ.
Về ý kiến của ĐB Ngọc Hòa (TP HCM) về hệ thống bán lẻ, Bộ trưởng cho rằng, đúng là so sánh cơ sở của DN nước ngoài và VN là khập khiễng nhưng trong các siêu thị DN bán lẻ lớn của nước ngoài như Big, Metro có đến 90% là hàng Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng |
Trả lời về phân bón giả mà ĐB Phương Thanh (Long An) cho rằng có hẳn hai bộ quản lý nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, Bộ trưởng Công thương cho biết, phân hữu cơ Bộ NN PTNT quản lý, phân vô cơ Bộ Công thương quản lý. Vừa qua hai bộ đã phối hợp chặt chẽ để triển khai, nếu hai bộ phối hợp nhuần nhuyễn, dù có phân cho 2 bộ quản lý thì cũng không làm hạn chế sự quản lý của Nhà nước.
Trước thắc mắc về tình trạng nhập lậu mặt hàng đường và việc cấp hạn ngạch nhập khẩu của ĐB Kim Chi (Phú Yên), Bộ trưởng cho biết, tình trạng buôn lậu đường diễn ra, các cơ quan chức năng nỗ lực phối hợp chống buôn lậu, thời gian tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn. Về phân hạn ngạch nhập khẩu đường 2014, chúng ta đã thỏa thuận được với tổ chức thương mại thế giới về với đường ăn, muối ăn, trứng gia cầm các loại sẽ áp dụng hạn ngạch mỗi năm chỉ nhập hạn ngạch nhất định với các loại hàng hóa này, nếu nằm trong hạn ngạch sẽ được ưu đãi.
Bộ NNPTNT quyết định phân hạn ngạch cho doanh nghiệp nào. Sẽ tiếp thu ý kiến và trao đổi với Bộ NNPTNT.
Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng tiếp tục phối hợp, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, có chính sách cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện môi trường và kinh tế cho ngành này phát triển. Về luật pháp, trước mắt sớm ban hành nghị định về công nghiệp phụ trợ.
Công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khi tập trung cho nông nghiệp, nông thông từ giống, đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo quản làm sao có ngành công nghiệp cơ khí thỏa đáng, tiến tới phục vụ cho các ngành khác như giao thống, xây dựng; phấn đấu để 2015 tạo được chuyển biến tích cực, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí có chuyển biến.
Tình trạng buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng nghiêm trọng. Vì vậy, Chủ tịch QH cho rằng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo đấu tranh trong lĩnh vực này, xử lý nghiêm. Đây là trách nhiệm trước nhân dân.
Muốn làm được phải phối hợp cả hệ thống chính trị; tăng cường lực lượng hải quan, cảnh sát biển, biên phòng, quản lý thị trường để thống nhất lại các lực lượng này vừa vững mạnh, năng lực, đủ điều kiện nhưng phải trong sạch....
Sau bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình là thành viên Chính phủ thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình |
Vào phần trả lời chất vấn, trả lời câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về thanh tra, kết quả thanh tra tuyển công chức của Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc thi tuyển cán bộ công chức, viên chức nâng ngạch có đổi mới, tin học, ngoại ngữ là môn điều kiện. Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, Bộ Nội vụ kết hợp với một số ngành, địa phương tổ chức thi trên máy vi tính để hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, nhiều ý kiến phản ánh một số địa phương có tiêu cực. Bộ Nộ vụ cử đoàn kết hợp với Sở Nội vụ đề nghị địa phương có sai sót chỉ ra để kiến nghị khắc phục. Một số địa phương đã xử lý kỷ luật vi phạm.
Về trường hợp tại Bộ Công thương, hiện đang hoàn thành hồ sơ do quy mô, đối tượng, phạm vi rộng.
Trước thắc mắc ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) về công chức, việc chức ngành tòa án, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho hay, quan điểm của Bộ Nội vụ đã và đang triển khai thực hiện là từng cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành xác định vị trí việc làm, từ đó tính cơ cấu cán bộ công chức viên chức cho phù hợp để định ra; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế...
Về chất vấn của ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) trong việc chậm có quy định về xử lý cán bộ cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời, nếu quản lý nhà nước về cán bộ thì Chính phủ quản lý ít, nhiều là Ban Tổ chức, cơ quan Quốc hội nên trong quá trình triển khai thực hiện Luật Cán bộ công chức có nhiều ý kiến khác nhau, chậm là do như vậy. Bộ trưởng cũng nhận một phần trách nhiệm của Bộ trong việc chậm chễ này. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mong ĐB thông cảm và chia sẻ. Dự kiến, quý 1 tới có thể có quy định về việc xử lý trên. Tuy nhiên, hiện đã có dự thảo tạm thời về quy định xử lý cán bộ và có thể sẽ được ban hành chậm nhất vào đầu tháng 12.
Với câu hỏi của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) về lạm phát cấp phó kéo dài làm bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí; quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho hay, quy định số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thể hiện qua các văn bản. Về thứ trưởng, có quy định cơ động, 1 bộ cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng. Nếu cơ quan ngang bộ muốn tăng thứ trưởng thì cơ quan đó có đề án báo cáo lên cấp trên. Bộ Nội vụ đã nhiều lần đề nghị nên có quy định cứng về số thứ trưởng để không có sự bàn cãi.
Còn các chức danh cấp phó đều có quy định cứng nhưng trong thực tế lại không theo quy định đó. Cụ thể, cấp bộ quy định có 4 thứ trưởng (quy định mềm) nhưng bình quân là 5,4; tổng cục quy định 3 phó nhưng thực tế 3,69; cấp vụ quy định là 3, bình quân là 3,04; cấp sở là 3, bình quân là 3,06. Bộ trưởng thừa nhận bổ nhiệm quá nhiều cấp phó sẽ gây lãng phí ngân sách. Nguyên nhân do sức ép của công việc, nền hành chính họp hành nhiều; đặc thù một số ngành cần cán bộ thực hiện chức năng được giao, chưa kể một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do công việc quá nặng nền đòi hỏi lãnh đạo trực tiếp thực hiện.
Ông cũng thừa nhận hiện một số cơ quan, tổ chức có quá nhiều cấp phó mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế mà do bổ nhiệm từ lý do nào đó.
Việc bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp người đứng đầu thiếu tính gương mẫu.
Về giải pháp, nếu quy định của pháp luật chữa rõ ràng sẽ phối hợp cấp có thẩm quyền có quy định cứng. Nếu đơn vị nào vi phạm quy định cứng sẽ phải điều chỉnh. Để có giải pháp mạnh là cần có đề án tổng thể.
Đối với câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) rằng theo dự luận phản ánh, người có năng lực không muốn vào nhà nước, vào thì lại ra đi nhiều. Người kém năng lực vào nhiều dẫn đến tình trạng “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về”, công chức lười nhác, trình độ kém muốn làm lãnh đạo. Đây có phải là nguyên nhân dẫn tham nhũng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là câu hỏi khó. Theo ông, có tình trạng trên là do: sử dụng cán bộ, công chức chưa đúng năng lực từng đồng chí; cơ chế thưởng-phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chế độ tiền lương và đãi ngộ chậm cải thiện; việc tuyển dụng đầu vào chưa thực sự đáp ứng nhiệm vụ, chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Giải pháp để khắc phục tình trạng trên là: Đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên trực tiếp quản lý đánh giá cấp dưới; sử dụng người có tài năng, năng lực làm việc; thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế với những người không làm được việc; chỉ tuyển dụng người có tài năng, phẩm chất...
Trả lời thắc mắc của ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng lạm phát cấp phó có mối liên hệ với việc bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu, bộ tham mưu cho CP như thế nào để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về biện pháp Bộ Nội vụ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về vấn đề này; ban hành chương trình hành động triển khai có hiệu quả chỉ thị này; trong đó thực hiện công khai minh bạch công tác công chức viên chức, đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy lùi tiêu cực, người đứng đầu của cơ quan đơn vị gương mẫu, thực hiện chặt chẽ công vụ...
Về hiện tượng vô cảm của cán bộ công chức trong giải quyết công việc mà ĐB này đề cập. Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận có tình trạng này, và cho rằng cán bộ, công chức cần đặt mình vào vị trí người dân đề hiểu được tâm tư của người dân. Nhưng trong thực tế là khó thực hiện như vậy vì vô cảm thuộc phạm trù đạo đức. Để giải quyết hiện tượng này, công chức viên chức phải có ý thức cao trong công việc, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình mang tính nguyên tắc. Ngoài ra, pháp luật còn cấm cán bộ công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu... ; bên cạnh đó là thực hiện cuộc vận động thực hiện tấm gương của Bác để cán bộ công chức năng cao ý thức, trình độ, năng lực của mình.
Về tình trạng kéo dài tuổi nghỉ hưu trái luật hiện nay, đặc biệt là không thôi chức vụ quản lý khi được kéo dài nghỉ hưu; giải pháp để kiểm soát vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, có nhiều quy định về tuổi nghỉ hưu, do nhiều cơ quan Nhà nước Nhà nước quản lý. Trước thực tế trên, Bộ Nội vụ đã vào cuộc kiến nghị các bộ ngành theo đơn vị quản lý thực hiện đúng. Đến nay, qua rà soát tại 26 bộ ngành, 54 địa phương, 22 tập đoàn còn khoảng 100 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu kéo dài. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đôn đốc để các cơ quan thực hiện đúng quy định.
Về chất vấn của ĐB Hùng (Bình Phước) về xuất hiện nhiều chức danh "hàm", người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh không có quy định của pháp luật về chức danh hàm vụ trưởng, phó vụ trưởng, hàm trưởng phòng nhưng thực tế nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương lại có chức danh về hàm như vậy. Đây là vấn đề cần được quan tâm. Ngày 11/6/2014, Bộ có công văn gửi các bộ, ngành cung cấp danh sách cán bộ, công chức viên chức được hưởng chế độ hàm lãnh đạo quản lý từ cấp phòng. Hiện có 300 công chức viên chức tại các cơ quan bộ, ngang đang được hưởng chế độ hàm từ cấp phòng trở lên; trong đó 96 trường hợp hưởng chế độ hàm vụ trưởng. Thời gian tới cần có hội thảo, tọa đàm nghiên cứu về lý luận, thực hiện để xem xét vấn đề này.
Trả lời thắc mắc của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về tinh giản biên chế nhưng không giảm mà vẫn tăng? Biện pháp; Bộ trưởng cho hay, đề án tinh giản biên chế trước đây Bộ chính trị giao dịch tinh giản công chức trung ương đến cấp huyện nhưng sau đó mở rộng là tinh giản cả cấp xã.
“Về xây dựng vị trí việc làm ĐB ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội ) phản ánh, Bộ trưởng cho biết, xác định vị trí việc làm đã được quy định cụ thể trong luật cán bộ công chức, thông tư hướng dẫn. Đây là vấn đề khó, cần có quyết tâm cao để thực hiện. Đến thời điểm này đã có nhiều cơ quan trung ương xây dựng được vị trí việc làm. Theo quy định, đến 6/2015, 70% các cơ quan, tổ chức phải xây dựng được vị trí việc làm. Vì thế, có thể đạt được kế hoạch. Nếu có vướng mắc, các đơn vị liên hệ với Bộ Nội vụ để giải quyết.
Trả lời thắc mắc của ĐB Thu Phương (Bắc Kạn) về đánh giá xếp loại cán bộ công chức viên chức không chính xác. Liệu năm 2014 có hoàn thành rà soát đánh giá công chức viên chức, Bộ trưởng cho hay, thường đến cuối năm mới có con số tổng kết. Có quy định rất cụ thể về đánh giá, xếp loại công chức, viên chức.
Năm 2013, kết quả đánh giá cán bộ công chức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ: 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ: 0,46%. Về kết quả đánh giá viên chức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 34,49%, hoàn thành tốt nhiệm vụ: 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ: 0,24%”.
Nguyên nhân là do: chất lượng công chức, viên chức trong từng đơn vị chưa đồng đều; việc phân công công việc chưa cụ thể, rõ ràng; các cơ quan sử dụng chưa thường xuyên giám sát việc thực thi nhiệm vụ của công chức; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức chưa cao, nể nang, sợ đụng chạm; người tự đánh giá không trung thực, có tâm lý không thừa nhận bản thân yếu kém.
Theo Bộ trưởng, phương hướng để nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức là người đứng đầu làm gương để cán bộ noi theo; việc đánh giá phải có sự điều hành của chính quyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức viên chức lãnh đạo quản lý; các bộ ngành khẩn trương xác định vị trí việc làm để định ra biên chế phù hợp; các cơ quan, tổ chức đơn vị sử dụng công chức viên chức phải phân công công việc cụ thể, rõ ràng; xây dựng quy chế, tổ chức theo dõi kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của từng công chức viên chức; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người tự đánh giá; tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát, quy định khen thưởng...
Đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục trả lời chất vấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.