Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 20 năm không thể thi hành án

Trung Nguyên| 24/11/2016 06:46

(HNM) - Năm 1980, ông Đoàn Văn Mệ (thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) được bố mẹ đẻ chia cho mảnh đất diện tích 144m2, với 3 gian nhà tre. Năm 1981, ông Mệ dỡ bỏ 3 gian nhà tre, xây mới 3 gian nhà gạch và 3 gian bếp. Tháng 12-1983, ông Mệ đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng nên giao lại nhà, đất cho mẹ đẻ


Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Chí phải thi hành án để trả lại cho ông Đoàn Văn Mệ.


Trong năm 1991, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phúc Thọ và TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án, tuyên: “Hủy toàn bộ hợp đồng mua, nhượng tài sản giữa bà Nguyễn Thị Bẻn và ông Nguyễn Văn Chí lập ngày 1-12-1989; bà Bẻn có trách nhiệm thanh toán trả cho ông Chí số tiền 4.393.000 đồng, quy ra bằng 1.996kg gạo tẻ; ông Chí phải trả lại toàn bộ tài sản nhà, đất trên diện tích 144m2. Ông Đoàn Văn Mệ được quyền sở hữu khối tài sản trên, nhưng phải thanh toán trả cho ông Chí tiền sửa chữa, tu bổ khối tài sản là 508.000 đồng, bằng 230kg gạo tẻ…”.

Tuy nhiên, ông Mệ cho biết: “Khi TAND huyện Phúc Thọ xét xử sơ thẩm, tôi có mặt. Đến khi TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm, thì con tôi ở Lâm Đồng còn nhỏ, bị ốm nặng, tôi không thể về được nên đã làm đơn xin tòa xét xử vắng mặt. Thế nhưng, cả hai bản án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm tôi đều không được tống đạt. Năm 1997, tôi đến TAND thành phố hỏi, mới biết vụ án đã được xét xử xong, án đã có hiệu lực pháp luật. Lúc này, tôi mới được TAND thành phố cấp cho bản sao bản án dân sự phúc thẩm số 180/DSPT, ngày 22-8-1991. Sau đó, tôi về huyện Phúc Thọ, đề nghị được thi hành án. Ngày 1-10-1997, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phúc Thọ ra Quyết định THA số 43, cho thi hành khoản ông Nguyễn Văn Chí phải giao trả cho ông Mệ nhà, đất, đồng thời có giấy báo tự nguyện THA số 48 ngày 6-10-1997, yêu cầu ông Chí tự nguyện THA theo quy định”.

Do vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, nên ngày 3-1-1998, Chi cục THADS huyện Phúc Thọ đã ra Quyết định cưỡng chế THA đối với ông Chí, nội dung: “Điều kiện THA của ông Nguyễn Văn Chí đã có, nhưng ông Chí không tự nguyện thi hành. Quyết định cưỡng chế THA đối với ông Chí bằng biện pháp giao tài sản nhà, đất cho người được THA”. Trên cơ sở yêu cầu của THADS huyện Phúc Thọ, ngày 13-1-1998 ông Mệ đã nộp số tiền 6,678 triệu đồng. Thế nhưng, lúc này ông Chí cho rằng số tiền ông Mệ trả không đủ để tạo dựng chỗ ở mới tương tự, nên không chịu THA. Vì chưa đạt được sự thống nhất giữa hai bên đương sự trong định giá tài sản, nên việc THA không thực hiện được. THADS huyện Phúc Thọ đã đề nghị Phòng THA tỉnh Hà Tây (nay là Cục THADS TP Hà Nội) rút hồ sơ vụ việc lên để giải quyết. Ngày 10-4-1998, THADS tỉnh Hà Tây ra Quyết định THA số 03/THA đối với ông Chí. Ngày 23-4-1998, Phòng THADS tỉnh Hà Tây tổ chức hội nghị định giá tài sản với sự tham gia của các cơ quan chức năng, toàn bộ số tài sản phát sinh do ông Chí xây dựng được định giá là 15.352.385 đồng. Nhưng ông Chí yêu cầu phải định giá phần đất theo giá thị trường, thì mới đồng ý THA. Còn ông Mệ yêu cầu được thi hành theo đúng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Không có sự thống nhất nên vụ việc “tắc” từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Quang Minh - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phúc Thọ cho biết: Vụ việc THA của gia đình ông Mệ chậm, nguyên nhân ban đầu là do TAND các cấp khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không tống đạt bản án cho đương sự. Thậm chí từ đó đến nay, các cơ quan TAND cấp huyện và cả thành phố cũng không gửi bản án cho cơ quan THADS huyện Phúc Thọ. Đến năm 1997, khi ông Mệ có đơn đề nghị THA, cơ quan THADS huyện mới nhận được bản án do ông Mệ cung cấp. THADS huyện đã khôi phục thời hiệu thi hành bản án. Cũng theo ông Minh, thời điểm tòa xét xử, gia đình ông Chí có 8 khẩu, nhưng trong các bản án sơ thẩm, phúc thẩm không đưa những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào vụ án là chưa hợp lý. Nguyên nhân nữa là các cơ quan tố tụng chưa sát sao, nên vụ việc THA bị gián đoạn trong nhiều năm.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, việc THA gặp khó khăn vướng mắc do chính quyền xã Võng Xuyên không đồng tình với việc khôi phục thời hiệu THA. Còn ông Chí cho rằng bản án đã hết thời hiệu pháp luật, nên đã tiến hành tu sửa toàn bộ ngôi nhà trên đất để cả gia đình sinh sống khiến cho các bên đương sự khó thống nhất trong việc định giá tài sản gặp. Ông Đoàn Văn Mệ cũng cho biết: “Những năm qua, tôi đi lại từ Lâm Đồng về Phúc Thọ rất nhiều lần, nhưng các cơ quan chức năng chỉ gặp riêng từng người, chưa bao giờ tổ chức hòa giải, đối thoại trực tiếp giữa tôi với ông Chí để giải quyết dứt điểm vụ việc”.

Được biết, từ năm 2007, sau khi báo cáo vụ việc với UBND huyện Phúc Thọ, THADS huyện Phúc Thọ đã có kiến nghị gửi Chánh án TAND Tối cao về việc thi hành bản án số 180/DSPT. Từ đó đến nay, Cục THA thành phố, Chi cục THADS huyện Phúc Thọ và lãnh đạo các cấp đã nhiều lần tổ chức họp bàn, giải quyết, xong vẫn chưa có quan điểm thống nhất về biện pháp thi hành. Tháng 4-2016, Ban Chỉ đạo THADS huyện Phúc Thọ tiếp tục có Công văn số 399/CV-BCĐTHA gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao để kiến nghị xem xét lại bản án, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo.

Vậy đến bao giờ, vụ việc THA của gia đình ông Mệ mới được giải quyết dứt điểm?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 20 năm không thể thi hành án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.