Hồ sơ

Hơn 2.000 người mất tích khi vượt Địa Trung Hải đến EU trong 7 tháng qua

Dương Thuỳ 12/08/2023 - 14:28

Theo Guardian ngày 12-8, vấn đề di cư trở lại thành nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của châu Âu, bao gồm cả ở Anh. Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của châu Âu (Frontex) cho biết số người di cư đã tăng bất thường 13% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, lên 176.100 người, con số cao nhất kể từ năm 2016.

Trong đó, theo Frontex, sự gia tăng là do số lượng người sử dụng tuyến đường Địa Trung Hải tăng 115%. Đây là tuyến đường di cư chính vào EU và chiếm hơn một nửa tổng số lần phát hiện ở biên giới của EU. Tuy nhiên, nhiều người di cư đã không thể đến được “miền đất hứa” như mong muốn.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc, tính từ đầu năm 2023 đến nay, khoảng 2.090 người đã mất tích chủ yếu là trên tuyến đường băng qua Địa Trung Hải.
Tuyến đường này, từ Libya hoặc Tunisia đến Hy Lạp hoặc Italia, có thể mất vài ngày, thường được thực hiện trên những chiếc thuyền quá tải nguy hiểm, không đủ điều kiện đi biển và đã được hơn 89.000 người sử dụng thành công trong bảy tháng đầu năm 2023, Frontex cho biết.

di-cu.jpg
Những người di cư trên một chiếc thuyền khởi hành từ Tunisia được giải cứu gần Lampedusa, Italia. 

Ít nhất 41 người được cho là đã thiệt mạng vào tuần trước khi một chiếc thuyền bị chìm ngoài khơi đảo Lampedusa của Italia. Bốn người sống sót cho biết con tàu rỉ sét, trong đó có ba trẻ em, đã khởi hành từ cảng Sfax của Tunisia 6 ngày trước đó.

Vào tháng 6, một tàu đánh cá cũ được cho là chở tới 750 người đã chìm ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Pylos trên bờ biển phía Tây Hy Lạp, 4 ngày sau khi ra khơi từ phía Đông Libya. Chỉ có 104 người được giải cứu.

Tuy nhiên, Frontex nhấn mạnh, “áp lực di cư” trên tuyến đường Địa Trung Hải có vẻ sẽ tiếp tục gia tăng khi những kẻ buôn người đang “ra giá thấp hơn cho những người di cư khởi hành từ Libya và Tunisia trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nhóm tội phạm”.

Trong tháng 7, cơ quan này cho biết gần 42.700 cuộc vượt biên bất thường đã được phát hiện tại các biên giới bên ngoài của EU, tăng 19% so với cùng tháng năm 2022 và là tổng số cao nhất kể từ tháng 3-2016, vào cuối cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 của châu Âu. Trong khi số lượng người di cư cố gắng đến châu Âu vẫn thấp hơn so với mức cao nhất trong năm 2015-2016, con số này đang tăng mạnh và tâm lý chống nhập cư cũng như áp lực chính trị đang gia tăng trên khắp lục địa, bao gồm cả ở Anh.

Sau nhiều năm tranh cãi và gây chia rẽ sâu sắc về thỏa thuận di cư, năm nay, các quốc gia thành viên EU đã ca ngợi một bước đột phá trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước tị nạn và di cư mới, bao gồm khoản phí 20.000 euro (17.200 bảng Anh) cho mỗi quốc gia thành viên từ chối tiếp nhận người tị nạn. Khối đã đồng ý rằng các quốc gia thành viên, chứ không phải toàn bộ EU, sẽ xác định quốc gia nào được coi là “an toàn” đối với những người bị từ chối vì họ không đủ điều kiện xin tị nạn, giúp các quốc gia thành viên linh hoạt hơn.

EU cũng đã ký kết “quan hệ đối tác chiến lược” trị giá 1 tỷ euro với Tunisia, bên cạnh đầu tư kinh tế, bao gồm các biện pháp phá vỡ mô hình kinh doanh của những kẻ buôn lậu, tăng cường kiểm soát biên giới và cải thiện việc đăng ký và hồi hương của người dân.

Tại Vương quốc Anh, chính phủ đã cam kết “ngăn chặn các con thuyền” thông qua chính sách nhập cư nhằm từ chối các yêu cầu tị nạn của những người di cư qua eo biển Manche và các tuyến đường “bất hợp pháp” khác, đồng thời đưa họ đến các nước thứ ba, chẳng hạn như Rwanda.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 2.000 người mất tích khi vượt Địa Trung Hải đến EU trong 7 tháng qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.