Hơn 12.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) sẽ tiếp tục được Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tổ chức xuất cấp đến với ngư dân 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị sự cố môi trường biển vừa qua.
Cùng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho ngư dân, diêm dân thì việc hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG là một trong những chính sách an sinh xã hội, hợp lòng dân.
Đây là lần cấp phát gạo không thu tiền thứ 2 cho bà con ngư dân miền Trung để bà con sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đây là thông tin được được Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) Phạm Phan Dũng khẳng định khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.
Mới đây, ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1138/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung Điều 1 của Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, trong đó, bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ gạo cho hộ gia đình làm nghề muối tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng hải sản chết bất thường; kéo dài thời gian hỗ trợ gạo cho đối tượng được hỗ trợ lên tối đa 6 tháng (15 kg/người/tháng).
Để tiếp tục tổ chức triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế rà soát, tổng hợp đối tượng thụ hưởng; đề xuất tiến độ cấp phát gạo cho phù hợp với thực tiễn sử dụng gạo của người dân từng địa phương để việc cấp phát gạo được thuận lợi và bảo đảm chất lượng.
Sau khi gạo DTQG được giao, UBND các tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện hỗ trợ gạo cho nhân dân kịp thời, đúng đối tượng; thực hiện công khai chính sách và mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại thôn, xã; hướng dẫn quy trình tổng hợp và xác định đối tượng hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, mục đích, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực.
Ông Phạm Phan Dũng cho biết, đến nay, trên cơ sở đề nghị của UBND các địa phương, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất cấp cho tỉnh Hà Tĩnh 4.960 tấn gạo và tỉnh Thừa Thiên-Huế 2.000 tấn gạo. Đối với các tỉnh còn lại, địa phương đang thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu để thực hiện hỗ trợ gạo theo đúng quy định.
Lãnh đạo Tổng cục DTNN cho biết đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân bổ gạo cứu trợ trong công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
Về phương án xuất cấp gạo cho các tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN chủ động điều hành việc giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực xuất gạo cho các tỉnh trên địa bàn đơn vị quản lý. Trường hợp phát sinh các nhu cầu đột xuất khác vượt quá khả năng hiện có, Tổng cục DTNN đã có phương án điều chuyển đơn vị lân cận như Cục DTNN khu vực Đà Nẵng xuất cấp cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế để bảo đảm tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo DTQG cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung thời gian qua đã được ngư dân, người dân các địa phương nhiệt liệt ủng hộ, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Dũng cho rằng: Đây có thể mới chỉ là một trong những giải pháp trước mắt. Trong thời gian tới, cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ của ngư dân, diêm dân của Chính phủ, thì việc hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG sẽ là một trong những chính sách an sinh xã hội, hợp lòng dân, bảo đảm hỗ trợ ngư dân, diêm dân có nguồn lương thực chủ động vươn khơi, bám biển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.