Trung bình mỗi năm, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của 1.535 người và khiến 2.272 người phải mang thương tật.
Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo Trợ giúp nạn nhân bom mìn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (IC-VVAF) tổ chức ngày 4-12.
Từ năm 1975 đến nay, có khoảng 6,6 triệu héc ta đất, trên 21% diện tích đất nước bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển; hơn 40.000 người bị chết, hơn 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Chỉ riêng khảo sát sơ bộ tại 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi), đã có trên 22.760 nạn nhân do bom mìn, trong đó 10.529 người chết, 12.231 người bị thương.
Chính vì những hậu quả nặng nề của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Các đại biểu dự hội thảo cho rằng để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cần sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, cả cộng đồng xã hội, cũng như sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về hậu quả của bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nâng cao năng lực của các lực lượng rà phá, xử lý bom mìn Việt Nam, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc, vận động tài trợ, xây dựng dự án rà phá bom mìn, dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.