Ngày 13-4-1945, quân đội Đức Quốc xã đã dồn 1.016 tù nhân vào một nhà kho lớn gần thị trấn Gardelegen rồi châm lửa đốt. Hầu hết các tù nhân đều bị thiêu sống.
Chi tiết về vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II đã được kể lại trong cuốn sách mang tên "The Death Marches: The Final Phase Of Nazi Genocide" của sử gia Daniel Blatman. "Đó là thi thể của các tù nhân tới từ các trại tập trung khác nhau", tác giả Blatman người Israel nói.
Ngày 3 và 4-4, sau khi quân đội Mỹ vượt sông Rhine, tiến vào Đức, giới chức tại trại tập trung của SS (đội quân tinh nhuệ nhất của Đức Quốc xã) tại Dora-Mittelbau đã ra lệnh sơ tán tù nhân khỏi trại tập trung chính và một số trại phụ tới các trại ở phía bắc nước Đức là Bergen-Belsen, Sachsenhausen, Neuengamme.
Ảnh: Life Magazine |
Chỉ trong vòng vài ngày, khoảng 4.000 tù nhân đã được chuyển đến thị trấn Gardelegen. Với số lượng tù nhân quá đông như vậy, SS bắt đầu tuyển thêm các lực lượng hỗ trợ tới từ sở cứu hỏa địa phương, không quân, đoàn thanh niên Hitler và các tổ chức khác để trông coi.
Ảnh: Life Magazine |
Ngày 13-4, hơn 1.000 tù nhân, nhiều người trong số họ bị ốm hoặc quá yếu để tiếp tục đi bộ, đã được đưa từ thị trấn Gardelegen tới một nhà kho lớn ở trang trại Isenschnibbe gần đó.
Ảnh: Life Magazine |
Các lính gác sau đó đã khóa cửa nhà kho, đổ xăng ra sàn rồi châm lửa đốt. Hầu hết những người tìm cách bỏ trốn đều bị bắn chết. Ngày hôm sau, SS và lực lượng hỗ trợ địa phương đã trở lại để xóa sạch bằng chứng về tội ác của chúng.
Ảnh: Life Magazine |
Chỉ có số ít tù nhân sống sót, trong khi hơn 1.000 người đã bỏ mạng.
Ngày 14-4-1945, Sư đoàn Bộ binh 102 của Mỹ vào tới Gardelegen và một ngày sau họ mới phát hiện ra thảm kịch này. Hơn 1.000 xác chết tù nhân vẫn cháy âm ỉ trong nhà kho.
Các nhiếp ảnh gia thuộc Binh chủng thông tin Quân đội Mỹ đã nhanh chóng có mặt để ghi chép lại tội ác của Đức Quốc xã và vào ngày 19-5-1945, câu chuyện về vụ thảm sát Gardelegen xuất hiện trên báo chí phương Tây.
Trong số 11 tù nhân sống sót và được binh sĩ Mỹ tìm thấy, có 7 người Ba Lan, 3 người Nga và 1 người Pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.