Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 1.000 lượt người được tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách lao động

Hà Phong| 05/06/2015 17:23

(HNMO) - Đó là con số sinh viên, người lao động được tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách lao động tại phiên Giao dịch việc làm (GDVL) huyện Hoài Đức lần thứ VII năm 2015 do UBND huyện Hoài Đức và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức ngày 5-6.

Chương trình được triển khai nhằm hỗ trợ người lao động, đặc biệt là tại các khu vực ngoại thành đang trong quá trình tìm kiếm việc làm, có nhu cầu tham gia vào thị trường lao động của Thủ đô; cập nhật các thông tin về cung cầu lao động trên địa bàn để từ đó xây dựng các chính sách giải quyết việc làm trong thời gian tiếp theo. Có 61 đơn vị đăng ký tham gia với hàng ngàn chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh học nghề và xuất khẩu lao động. Trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ cao nhất (87%) tương ứng với 53 đơn vị, chủ yếu hoạt động trong ngành thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có văn phòng giao dịch trên địa bàn huyện Hoài Đức tham gia phiên GDVL là 12 đơn vị (chiếm tỷ lệ 19,67 %).

Nhiều bạn trẻ quan tâm tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động.


Theo khảo sát của phóng viên Hànộimới, các đơn vị có nhu cầu tuyển lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài tập trung vào một số thị trường chính như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia … với các đơn hàng chủ yếu là công nhân lắp ráp điện tử, nhựa, may mặc, đóng gói, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, cơ khí, xây dựng….được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Ban tổ chức khẳng định, nhu cầu tuyển chọn ứng viên đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động của các đơn vị dịp này khá lớn với 2.000 chỉ tiêu. Với các đơn vị còn lại, có 68 vị trí việc làm cho người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có 150 vị trí, trung cấp 257 vị trí.

Mức thu nhập dự kiến tại mỗi doanh nghiệp là một trong những chỉ số quan trọng luôn được người lao động quan tâm khi tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Ở các vị trí công việc tương ứng cùng nhiều điều kiện, doanh nghiệp nào chi trả mức lương có cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ đón nhận được sự quan tâm của người lao động nhiều hơn.

Với mức thu nhập dự kiến từ 3 triệu đến 4,5 triệu có 661 vị trí yêu cầu lao động có trình độ: Cao đẳng, Cao đẳng nghề có 40 vị trí (tương ứng 2,99% trên tổng số nhu cầu tuyển dụng), Trung cấp, Trung cấp nghề có 57 vị trí (chiếm tỷ trọng 4,26%), lao động có trình độ Sơ cấp nghề, lao động giản đơn có rất nhiều cơ hội tìm việc làm với 654 vị trí (chiếm tỷ trọng lớn tương ứng 42,12% trên tổng số nhu cầu tuyển dụng).

Tượng tự, với mức thu nhập dự kiến trên 4,5 triệu có 368 vị trí, phân theo các trình độ: Đại học trở lên có 68 vị trí (tương ứng 5,08%), Cao đẳng, Cao đẳng nghề có 50 vị trí (tương ứng 3,73%), Trung cấp, Trung cấp nghề có 150 vị trí (chiếm tỷ trọng 11,2%), còn lại lao động có trình độ Sơ cấp nghề, lao động giản đơn với 100 vị trí (chiếm tỷ trọng 7,47% trên tổng số nhu cầu tuyển dụng).

Ngoài mức lương trong khung định sẵn, nhiều doanh nghiệp tham gia phiên GDVL ngày 5- 6 còn lựa chọn phương thức thỏa thuận lương sau khi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 1.000 lượt người được tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.