Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội viên phụ nữ tham gia sản xuất nông sản sạch

Dương Linh| 19/01/2017 05:57

(HNM) - Thời gian qua, hội viên phụ nữ khu vực ngoại thành đã xây dựng được nhiều mô hình thực phẩm sạch. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, các mặt hàng nông sản sạch của chị em đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Thu hoạch củ cải tại HTX Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh).


Những ngày giáp Tết, gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, một trong những thành viên của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi lợn sinh học xã Thọ Lộc (Phúc Thọ) khá bận rộn khi thương lái đến mua 60 con lợn thịt đã đến ngày xuất chuồng. Bà Huệ cho biết: HTX chăn nuôi theo mô hình thịt lợn sạch bằng thức ăn sinh học có nhiều ưu việt hơn so với nuôi lợn bằng thức ăn thông thường, tuyệt đối không dùng thuốc kích thích, chất tạo nạc nên chất lượng thịt thơm ngon, an toàn với sức khỏe người sử dụng. Từ giữa năm, thương lái đã đến tận chuồng đăng ký mua nhằm cung ứng thịt lợn an toàn cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Trang trại nuôi trồng thủy sản sạch của gia đình chị Phạm Thị Hồng Hiến, hội viên phụ nữ xã Đỗ Động (Thanh Oai) được nhiều người tới tham quan, học tập. Gia đình chị đã đi đầu trong việc áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Toàn bộ nước thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học, không xả thải trực tiếp ra sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, chị xây dựng vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Còn chị Nguyễn Thị Tân, hội viên phụ nữ xã Yên Viên (Gia Lâm) là một trong những người đi đầu sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị phấn khởi chia sẻ: Trước đây, việc trồng rau theo phương thức cũ, năng suất không cao lại nhiều sâu bệnh. Sau khi tham gia lớp tập huấn sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức, các hội viên đã áp dụng máy xới đất di động thay cho việc cuốc đất, tưới rau bằng nước giếng khoan, không dùng nước sông. Rau gieo trồng mật độ thích hợp, cân đối phân bón, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học trị sâu bệnh. Nhờ vậy, rau đạt chất lượng và năng suất cao, an toàn cho người tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Không chỉ hội viên phụ nữ của các huyện: Gia Lâm, Phúc Thọ, Thanh Oai mà nhiều chị em ở các địa phương khác cũng tham gia sản xuất thực phẩm an toàn cung cấp cho người dân. Điển hình như các mô hình nông sản sạch: Củ cải, ngô ngọt, khoai tây chất lượng cao của phụ nữ huyện Mê Linh; đu đủ của hội viên huyện Đan Phượng; cây ăn quả an toàn của huyện Thanh Trì, thanh long ruột đỏ của huyện Phú Xuyên… Tất cả các sản phẩm nông sản sạch của hội viên phụ nữ đều có mặt tại các chợ và siêu thị lớn, bước đầu gây dựng thương hiệu trên thị trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết cho biết, kết quả trên có được là do các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” và các phong trào thi đua: “An toàn thực phẩm”, “Không sản xuất rau không an toàn”, “Không kinh doanh và sử dụng phụ gia không có trong danh mục”. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức vì sức khỏe cộng đồng của mỗi hội viên trong việc thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày một nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội viên phụ nữ tham gia sản xuất nông sản sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.