(HNM) - Hơn 50 năm gắn bó với Việt Nam, ông Gladunov Evegeni Pavlovivh từng phụ trách đón tiếp, thu xếp các cuộc đàm phán của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Liên Xô.
Dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng ông vẫn nhớ như in những lần phiên dịch, gặp Bác Hồ. Năm 2014, ông được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân danh dự Thủ đô". Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã có bài viết riêng cho Báo Hànộimới về những kỷ niệm đó.
Ông Gladunov Evegeni Pavlovivh đã được trao tặng “Công dân danh dự Thủ đô”. Ảnh: TTXVN |
Những lần gặp nhiều ấn tượng
Người ta nói rằng thời gian làm phai mờ ký ức của con người. Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra trong thời gian đầu tiên tôi ở Việt Nam, dù đã trôi qua nhiều thập kỷ, vẫn còn lưu giữ trong trí nhớ của tôi. Đó là những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chính trị gia, một con người tuyệt vời. Năm 1962, khi đến Việt Nam lần đầu tiên làm việc tại Đại sứ quán (ĐSQ) Liên Xô ở Hà Nội, tôi đã được nghe các đồng nghiệp kể về Bác Hồ. Lần đầu tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8 năm 1962 trong buổi gặp mặt các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9.
Khi đó, Bác Hồ mời khách ngồi vào bàn bằng tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau lời chúc, các vị lãnh đạo của Việt Nam theo truyền thống cầm ly rượu trên tay đi mời khách. Khi bữa tiệc chuẩn bị kết thúc, bất chợt Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các trợ lý đi tới gần chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cầm cốc rượu vang tiến tới chúc chúng tôi sức khỏe. Tôi bị rơi vào tình trạng khó xử khi chiếc ly đã hết rượu. Thấy vậy, Bác Hồ nói đùa là lớp trẻ bao giờ cũng nóng vội, rồi san cho tôi một ít rượu vang từ cốc của mình. Lúc đầu tôi từ chối nhưng sau một hồi nói chuyện thân mật, chúng tôi cùng nâng cốc.
Một cuộc gặp khác với Bác Hồ khiến tôi rất ấn tượng. Đó là cuộc gặp làm việc giữa Đại sứ Liên Xô Xuren Tovmasian và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi cuộc đàm luận và bữa ăn trưa kết thúc, Bác Hồ quay về phía tôi và hỏi bằng tiếng Việt là tôi đã học tiếng Việt ở đâu. Tôi như cái máy bắt đầu dịch cho Đại sứ Xuren Tovmasian câu hỏi đó. Nhưng Chủ tịch ngăn tôi lại và nói rằng, Người dành câu hỏi đó cho tôi và sau đó chính Người sẽ tự phiên dịch cuộc đối thoại này cho Đại sứ. Tôi trả lời đã học tiếng Việt ở Học viện Quan hệ quốc tế Mátxcơva thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi câu tiếp theo. Tôi trả lời rồi cảm thấy lo lắng vì thấy Đại sứ không hiểu gì, ngạc nhiên nhìn tôi và Chủ tịch, còn các đồng chí Việt Nam thì vui cười khi nghe chúng tôi nói chuyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vui đùa hỏi tôi mấy câu nữa, sau đó quay sang nói với Đại sứ Xuren Tovmasian bằng tiếng Nga: Đồng chí Đại sứ đừng giận nhé, tôi chỉ muốn làm một cuộc sát hạch nhỏ với người phiên dịch của đồng chí. Bác Hồ nói, tôi dịch không tồi nhưng còn ít đọc sách báo Việt Nam nên cách phát âm chưa chuẩn.
Một điều nữa khiến tôi ấn tượng về Bác Hồ là tình yêu dành cho trẻ em. Tôi nhớ lại một buổi tiệc mà ĐSQ tổ chức năm 1964 nhân kỷ niệm 47 năm Cách mạng Tháng Mười. Sau những nghi lễ chính thức, các vị chủ - khách tự do lui tới nâng cốc chúc tụng nhau. Hồ Chí Minh chọn đúng thời điểm không ai nhìn theo mình, nhẹ nhàng kéo tay tôi cùng đi ra ngoài vườn cạnh đó. Tại đây, dưới ánh sáng mờ và không khí mát mẻ, trên bãi cỏ xanh, các cháu bé con của nhân viên ĐSQ chơi đùa vui vẻ. Đứng giữa đám trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy từ túi áo ra những chiếc kẹo đã được chuẩn bị sẵn và tặng cho các cháu, trò chuyện với chúng bằng tiếng Nga, thỉnh thoảng hỏi lại tôi bằng tiếng Việt. Lần cuối cùng tôi gặp Người là tại ĐSQ vào năm 1965 khi tổ chức kỷ niệm ngày Chiến thắng vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô. Không bao lâu sau sự kiện đó thì tôi theo phái đoàn trở về nước.
Những ký ức không bao giờ quên
Tháng 9 - 1969, tôi có dịp trở lại Hà Nội cùng phái đoàn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexey Nikolayevich Kosygin để tham dự Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây là chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một rừng người đông như thế. Dường như tất cả người dân Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội để tiễn biệt vị lãnh tụ kính yêu của mình. Thật kinh ngạc với lượng lớn chính khách nước ngoài đến dự. Tôi và đồng nghiệp đã đọc, dịch rất nhiều điện chia buồn cho phái đoàn của mình. Lãnh đạo các nước không chỉ đánh giá Hồ Chí Minh như một chính trị gia, một chính khách xuất sắc mà còn là một con người được hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nửa vòng trái đất để "nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa đế quốc". Trước Cách mạng Tháng Tám, Người đã nhiều lần đến Liên Xô và từng làm việc trong Quốc tế cộng sản. Đến khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh cũng thực hiện nhiều chuyến đi tới đất nước của chúng tôi và lần nào cũng nhận được sự đón tiếp thân mật nhất.
Nhiều năm qua, chúng tôi cùng với đại diện ĐSQ Việt Nam, các tổ chức Việt Nam làm việc tại Nga đến đặt hoa tại Tượng đài Hồ Chí Minh trong Ngày sinh của Người, và kể cho nhau những câu chuyện về Người. Mỗi lần trở về với những hồi ức cũ, tôi lại nhớ những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách Người tiếp các phái đoàn Liên Xô, Đại sứ Liên Xô, những lần thăm ĐSQ của chúng tôi và những lần Người trò chuyện cùng trẻ em Việt Nam và Liên Xô; sự vĩ đại trong giản đơn và sự đơn giản trong sự vĩ đại của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong ký ức của tất cả những ai được gần Người - một con người và chính trị gia được yêu mến.
Trong những ký ức của mình tôi muốn được bổ sung thêm về công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi mà ngày 2-9-1945 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đầu tiên đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Sở dĩ tôi nhắc đến vì tôi là một nhân chứng của việc xây dựng công trình quốc gia này - với sự hỗ trợ kỹ thuật và sự tham gia của đội ngũ đông đảo các chuyên gia Liên Xô. Những năm cuối thế kỷ XX, tôi thường xuyên đến Hà Nội. Mỗi lần như vậy tôi đều cố gắng vào Lăng viếng Người. Tuy nhiên, tôi không có cảm giác là Người đã đi xa, vì tôi tin rằng Người sẽ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.