Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội tụ sắc màu văn hóa

Minh Ngọc| 07/10/2015 07:08

(HNM) - Năm thứ ba liên tiếp, Liên hoan Văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội có chủ đề "Tinh hoa truyền thống - Hội nhập và lan tỏa" do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 7 đến 11-10 tại Cung Thể thao Quần Ngựa (30 Văn Cao, Ba Đình) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn; nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề độc đáo, hiệu quả. Nhân sự kiện đặc biệt này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến để giúp công chúng có thêm thông tin về những nội dung quan tâm.

- Những điểm mới của Liên hoan năm nay so với những năm trước là gì, thưa ông?

- Tương tự như mọi năm, Liên hoan là nơi hội tụ, giao lưu của các làng nghề truyền thống tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội, qua đó giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch làng nghề, tôn vinh văn hóa làng nghề. Tuy nhiên, Liên hoan năm nay có nhiều điểm mới và khác biệt, hứa hẹn là điểm sinh hoạt văn hóa, điểm đến du lịch di sản hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách dịp kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Toàn bộ không gian diễn ra Liên hoan được trang trí, thiết kế hài hòa, độc đáo, mô phỏng không gian văn hóa  các làng nghề truyền thống, giúp những ai chưa từng đến làng nghề cũng có thể hình dung khái quát về làng nghề. Điểm nhấn trong không gian này là 200 gian hàng giới thiệu sản phẩm, trình diễn tay nghề, kỹ thuật làm nghề của các nghệ nhân đến từ hơn 20 làng nghề, các doanh nghiệp nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh bạn. Cạnh đó là các gian hàng giới thiệu văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn mang thương hiệu Hà thành (bún chả, bún thang, bánh cuốn, phở…) và các gian hàng dành cho doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá du lịch. Ngoài ra, BTC cũng dành một số gian hàng để các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu nghệ thuật múa rối nước, rối cạn, thư pháp, ca trù… Chương trình khai mạc (tối 7-10) sẽ có nhiều tiết mục văn hóa, nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn; tôn vinh, biểu dương nghệ nhân và các làng nghề. Trước đó, lễ rước Tổ nghề bách nghệ Việt Nam mang tính mô phỏng cũng sẽ được tổ chức. 

- Ông có thể cho biết biện  pháp ngăn chặn tình trạng "hàng nhái" trà trộn vào các gian trưng bày sản phẩm làng nghề?

- Đây là vấn đề được BTC đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã làm việc với Sở Công thương, đề nghị kiểm tra, chỉ đạo để sản phẩm, hàng hóa trưng bày tại Liên hoan đúng xuất xứ từ các làng nghề truyền thống. Hơn nữa, trong quá trình trưng bày, các gian hàng sẽ có người giới thiệu, thuyết minh về sản phẩm; các nghệ nhân sẽ trình diễn tay nghề và giới thiệu các công đoạn làm ra sản phẩm làng nghề. Do vậy, Liên hoan thực sự là nơi hội tụ, giao lưu và lan tỏa giá trị văn hóa của các làng nghề. 

- Hiện việc kết nối giữa các đơn vị lữ hành với làng nghề chưa chặt chẽ. Tại Liên hoan này, BTC tạo điều kiện để hai bên "bắt tay" với nhau như thế nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói, ngoài việc tôn vinh văn hóa làng nghề, trong khuôn khổ Liên hoan, chúng tôi bố trí một số gian hàng dành cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu sản phẩm. Về phía các đơn vị lữ hành, chúng tôi mong muốn họ nâng cao chất lượng phục vụ và trách nhiệm xã hội, quan tâm nhiều hơn đến các tour du lịch làng nghề. Về phía làng nghề, tôi nghĩ trước hết các làng nghề phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn giản nhất cũng phải có bãi đỗ xe cho khách và sẵn sàng đón tiếp khách tham quan. Tiếp đến là việc cải thiện môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và nhân văn. Qua Liên hoan và nhiều kênh khác nữa, chúng tôi từng bước đưa sản phẩm văn hóa, du lịch làng nghề đến gần hơn với công chúng. 

- Sau hai kỳ Liên hoan, khách du lịch đến làng nghề tăng lên không, thưa ông?

- Đến thời điểm này chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể, song tôi có thể khẳng định chất lượng các tour du lịch làng nghề hiện nay cao hơn hẳn so với những năm trước, lượng khách có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa làng nghề có xu hướng tăng lên. Quan trọng hơn, một bộ phận không nhỏ khách du lịch trong nước, quốc tế đến Hà Nội đã biết Hà Nội có hàng trăm nghề truyền thống với những giá trị có một không hai vẫn được người dân gìn giữ, trao truyền. Đó là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của Thủ đô và đất nước. 

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội tụ sắc màu văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.