“Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được công bố dịp tháng 5-2021.

Trên con đường đã chọn ấy, không có chỗ cho những gì hư hỏng, lạc hậu, đặc biệt là tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc thực sự hợp lòng dân, giúp Đảng thêm vững, nước thêm mạnh, bảo vệ cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Đảng ta, đất nước và nhân dân ta; tuyệt đối không phải là “đấu đá phe cánh”, “thanh trừng nội bộ” như sự xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”.[23]

Quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… là những thứ tệ hại, xấu xa, tàn dư của xã hội cũ để lại. Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như tất cả chúng ta - thấm nhuần lời dạy của Bác - không hấp tấp, nóng vội; không cầm chừng, né tránh; càng không nhắm mắt làm bừa mà trái lại, đề cao minh bạch, công tâm, khách quan, nhân văn, thấu lý đạt tình khi đối mặt với tệ tham nhũng, tiêu cực.

Trước hết, dứt khoát làm rõ, kiên quyết xử lý các vụ việc nổi cộm, nghiêm trọng, kéo dài, được dư luận quan tâm với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Thái độ này không chỉ là “chống” mà sâu xa hơn chính là chủ động “phòng”, ngăn chặn một vụ để không phát sinh nhiều vụ khác, kỷ luật thậm chí phạt tù một số ít cán bộ, đảng viên nhằm giáo dục, răn đe tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên khác để họ “lấy đó làm gương” mà biết “chùn chân chùn tay”, giữ mình trước sức cám dỗ của tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, với 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó, có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng) bị thi hành kỷ luật chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay cho thấy, không hề có sự “chùn bước” hay “chững lại” trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Từ thành quả và hiệu ứng xã hội đạt được, chúng ta thừa thắng đẩy mạnh cuộc chiến đấu; mạnh mẽ tác động vào nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; cảnh tỉnh những ai đang rơi vào suy thoái tư tưởng.

Nhìn lại 10 năm (2012-2022) đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dù đã kỷ luật hơn 167.700 cán bộ, đảng viên trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng từ trong Đảng đến dư luận ngoài xã hội đều chung một nhận xét: Việc xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng là rất nghiêm khắc, không khoan nhượng, không nương nhẹ nhưng cũng không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm; nghiêm minh nhưng nhân văn, thấu lý đạt tình. Các đối tượng bị xử lý - trong đó có cả những cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý - đều nhận thức được hành vi sai phạm, “tâm phục khẩu phục”, đều ăn năn hối cải mà xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nếu họ không tham nhũng, tiêu cực hay bị làm oan sai; hành vi của họ không được làm rõ theo đúng các quy định Đảng và pháp luật Nhà nước, thì tại sao các đối tượng có thể tâm phục khẩu phục mà nói trước Tòa những lời nhận tội, nhận thức rõ sai phạm của mình như vậy?

Nếu là “đấu đá phe cánh”, “thanh trừng nội bộ”, thì tại sao các đối tượng bị xử lý lại tỏ thái độ ân hận, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân như vậy?

Thiết nghĩ, tinh thần nghiêm minh, thượng tôn pháp luật của các cơ quan chức năng; thái độ tâm phục khẩu phục của các đối tượng bị xử lý; sự ổn định và đồng thuận cao của dư luận xã hội… đã thật sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, hình thành “con đê” ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo nên trào lưu chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm…

“Việc Tổng Bí thư gióng hồi trống chống tham nhũng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân”. “Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Sức mạnh của Tổng Bí thư lúc này là ý chí, sức mạnh của toàn Đảng toàn dân”. “Cuộc chiến chống tham nhũng có nhiều tiến triển. Đây cũng là yếu tố củng cố sự tin tưởng của đồng bào trong nước và kiều bào trên thế giới vào Đảng và Chính phủ”[24]. Dẫn một vài ý kiến từ dư luận trong và ngoài nước để một lần nữa khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng Đảng ta phát động và lãnh đạo thời gian qua tuy khó khăn, phức tạp nhưng thực sự hợp lòng dân.


Tin tưởng vào Đảng, nhân dân ủng hộ Đảng tự soi, tự sửa, tích cực và chân thành sửa chữa khuyết điểm để mãi xứng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc!

Đi theo ngọn cờ tiên phong của Đảng, tin yêu Đảng, người dân Việt - dù ở trong hay ngoài nước, miền xuôi hay miền ngược - luôn nghiêm khắc giám sát, không chấp nhận những thứ “sâu mọt” quan liêu, tham nhũng, tiêu cực nảy nở, làm “mục ruỗng” Đảng và đe dọa sự tồn tại, vững mạnh của Đảng!

Bởi vậy, lòng dân mừng vui khi thấy ý Đảng quyết tâm tự gột rửa, làm trong sạch chính mình; sẵn sàng chung tay đấu sức cùng Đảng “chống giặc nội xâm”. Lòng dân với ý Đảng là một, ý Đảng cũng chính là lòng dân ta đó!

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng giúp chúng ta ôn lại lời Bác: “Phải làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu”.

Để nhân dân tham gia đông đảo, mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo Tổng Bí thư, “phải có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với cơ quan nhà nước, như tổ chức tốt công tác tiếp dân, mở hộp thư điện tử, thiết lập đường dây nóng…; thiết lập cho bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dễ dẫn đến quan liêu, lạm quyền, phạm các sai lầm nghiêm trọng”.[25]

* * *

Trước khi vĩnh biệt thế giới này, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã ân cần mà tha thiết dặn dò toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập và thống nhất, xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới dân chủ và nay đang lãnh đạo đất nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Thật sự trong sạch, vững mạnh thì không một thế lực nào có thể xô đổ, hủy hoại được vị thế cầm quyền của Đảng ta; như thế Đảng ta mới thực xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Có một Đảng lãnh đạo trong sạch, vững mạnh, tất nhiên sẽ có được một bộ máy nhà nước, một hệ thống chính trị hiệu quả và mạnh mẽ với quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, vận hành đúng đắn, “không thể” và “không dám” tha hóa, biến chất; có được sức mạnh đồng lòng, ủng hộ tuyệt đối của toàn dân trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta là “một việc làm cần thiết, tất yếu, thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược”. Và, “kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách” là tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt rất đúng đắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; giúp Đảng ta hội tụ niềm tin của nhân dân, củng cố sức mạnh của Nhà nước, chiến thắng “giặc nội xâm”, vững vàng vị thế một Đảng cầm quyền tự tin dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bài viết: Chí Công
Ảnh: Viết Thành và CTV
Thiết kế - Kỹ thuật: Thành Phong

Back To Top