Tệ tham nhũng, tiêu cực luôn gắn với quyền lực, do quyền lực bị tha hóa mà sinh ra. Cuộc chiến đấu này khó khăn, phức tạp bởi vừa phải phát hiện, tiêu diệt tham nhũng, tiêu cực vừa phải bảo vệ sự phát triển, tiến bộ mà quyền lực bị tha hóa luôn muốn che đậy, cản trở.

Từ lịch sử hơn 93 năm đấu tranh và lớn mạnh của Đảng ta, gần 80 năm xây dựng và phát triển của Nhà nước ta, với sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân ta, chúng ta có đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng tham nhũng, tiêu cực. Sức mạnh ấy được tập hợp từ những chữ “đồng”…

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí “với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”. Để làm được việc đó, chúng ta tập trung: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”.

“Đồng bộ các biện pháp…” chính là tiến hành thực hiện cùng lúc, phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân chính là “cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, dễ bị lợi dụng”. Theo Tổng Bí thư, phải “tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và chống tham nhũng”.[18]

Về tư tưởng, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, “phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân”. Kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Tổng Bí thư yêu cầu, “phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.[19]

Về tổ chức, chúng ta nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu… “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; công tác cán bộ, cải cách hành chính được công khai, minh bạch; tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự… tất cả đã tạo hiệu quả tối đa cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Có được sự đồng lòng từ trên xuống dưới, đồng thuận từ trong Đảng ra ngoài xã hội và cả cộng đồng quốc tế, chính bởi những bước tiến dài rất quan trọng trong nắm bắt chính xác thực tiễn, kịp thời hoàn thiện lý luận của Đảng ta khi nhận diện, xác định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tháng 1-1994, hơn 640 đại biểu thuộc 64 đảng bộ trong cả nước tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định, nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Đại hội VIII tiếp tục khẳng định, 4 nguy cơ trên vẫn còn tồn tại. Đại hội IX, Đảng ta nhấn mạnh: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Đại hội X đã nêu quyết tâm: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí… là quyết tâm chính trị của Đảng ta”.


Nghị quyết Đại hội XI xác định, “đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này”. Tháng 2-2013, thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước.

Trong vòng một năm sau đó, đã phát hiện 45 vụ, gần 100 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng; thi hành kỷ luật 187 đảng viên; xét xử sơ thẩm 271 vụ với 566 bị can về các tội danh tham nhũng; kiến nghị thu hồi hơn 350 tỷ đồng, xử lý tài chính hơn 22.800 tỷ đồng… Kết quả này “đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2014.

Đến Đại hội XII, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới, Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm; trong đó, gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách gần 170.000 tỷ đồng.

Tính chung từ năm 2012 đến 2022, đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự.[20]


Tại Hà Nội, tính từ năm 2021 đến nay, các cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm tra đối với 3.542 tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên. Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai 691 cuộc thanh tra; đã kết luận 420 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử phạt 105,9 tỷ đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ”. Quan trọng hơn cả, “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân”; “tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”; “tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.[21]

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta và nhân dân Việt Nam còn nhận được sự đồng thuận rất cao từ cộng đồng quốc tế.

Đài Bắc Kinh nhận xét, “cường độ chống tham nhũng của Việt Nam là chưa từng có. Trong số những kẻ tham nhũng bị xét xử có lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị, bộ trưởng, tướng lĩnh đã về hưu; các “vùng tối” và “vùng cấm” trong công tác chống tham nhũng trước đây dần bị loại bỏ”.

Tổng thống Mỹ J.Biden cũng bày tỏ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”.

Trên tờ Thời báo Ấn Độ tháng 9-2022, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ S.D.Pradhan phát biểu: “Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng sáng tạo các tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Ông nhận ra rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng phải là một quá trình liên tục, thường xuyên - một yếu tố cần thiết để lường trước những thách thức trong giai đoạn tới”.[22]

Back To Top