Là một thứ “khuyết tật”, một loại “bệnh nặng” của quyền lực và đe dọa đánh sập mọi thể chế chính trị nên chưa bao giờ đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực là việc đơn giản, dễ dàng. Cần hiểu rõ nguồn gốc, tác hại, nguy cơ của tham nhũng, tiêu cực để xác định đúng phương châm đấu tranh loại trừ, khắc phục “khuyết tật” này.

“Tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ngay từ những trang đầu tiên trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Đảng ta, nhân dân ta đã và đang một lòng phấn đấu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một xã hội tốt đẹp như vậy đương nhiên không có chỗ cho những thứ hư hỏng, xấu xa, lạc hậu…; trái lại, phải đấu tranh và quét sạch, quyết không dung dưỡng. Ý chí “không thay đổi, nhất định như thế” chính là nghĩa gốc của từ “kiên quyết”, được Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

Tác phẩm "Đạo đức cách mạng".

Với bút danh Trần Lực, trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Bác Hồ chỉ rõ: “Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân.(…) Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trǎm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí...(…) Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.[14]

Trên Tạp chí Cộng sản số tháng 8-1978, trong bài báo có tựa đề “Móc ngoặc”, khi phê phán hành động của một số người thông đồng, móc nối với nhau ăn cắp hoặc sử dụng nhập nhằng tài sản của Nhà nước, của tập thể, lợi dụng lẫn nhau làm sai phép nước để mưu lợi cá nhân, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc lại quan điểm của Lênin: “Lênin coi bọn ăn cắp của cải của Nhà nước là những con “sâu mọt” có hại, những con “chấy rận” hút máu người, cần phải “quét sạch” chúng đi. Đối với bọn chúng, không thể có một sự hữu khuynh, mềm yếu nào, bất cứ một sự thương hại nào về mặt này đều là tội ác tày trời đối với chủ nghĩa xã hội”.[15]

Và, hơn 30 năm sau, trong diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội nhận thức sâu sắc và thể hiện quyết tâm đẩy mạnh và có những giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên, công chức”.

Tháng 2-2013, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập. Tháng 5-2014, khi kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định: “Chú trọng cả phòng và chống, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân”.[16]

Thực tiễn đã khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười.

Phương châm kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật được tiến hành hiệu quả. Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.


Trong 10 năm, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.

Đặc biệt đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước. Điển hình là những vụ án: Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm; Dương Chí Dũng và đồng phạm; Vũ Việt Hùng và đồng phạm; Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm;Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; Giang Kim Đạt và đồng phạm; Phạm Công Danh và đồng phạm; Hà Văn Thắm và đồng phạm; Châu Thị Thu Nga và đồng phạm; Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; Trần Phương Bình; Phan Văn Anh Vũ; Đinh Ngọc Hệ; Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; Hứa Thị Phấn; hay như vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone; vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân…; và mới đây là vụ Việt Á, Cục Lãnh sự; FLC, Tân Hoàng Minh; với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.

Rõ ràng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn kiên quyết, không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Tinh thần, ý chí ấy đã và đang được tiếp nối mạnh mẽ, sáng tạo hơn trong các thế hệ kế tục sự nghiệp của Các Mác, của V.I. Lênin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tiêu biểu.

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đứng đầu lãnh đạo Đảng ta xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hết sức tỉnh táo, khách quan mà cho rằng, “vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa”.

Trước hết, phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Tham nhũng, tiêu cực nảy sinh từ suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức cách mạng. Bên cạnh việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, phải “kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ”; giúp cán bộ, đảng viên giữ vững đạo đức cách mạng, hình thành vững chắc “văn hóa tiết kiệm, văn hóa liêm chính, không tham nhũng”.


Thứ hai, bởi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong chính bản thân mỗi người nên theo Tổng Bí thư, “phải thường xuyên, kiên trì nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị”; thể hiện sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng qua hành động cụ thể, “tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền đặc lợi” đồng thời “chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm tham nhũng”.

Thứ ba, phải “xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”. Các cơ chế này đều thuộc hệ thống các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; muốn có được đều cần rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, xây dựng, tuyệt nhiên không phải là việc có thể xong trong “một sớm một chiều”. Thiếu kiên trì, nhẫn nại, không những không thể có một cơ chế răn đe, phòng ngừa và trừng trị tham nhũng mà còn có thể có tác dụng ngược. “Tinh thần là chúng ta phải quyết tâm làm, làm quyết liệt nhưng rất kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, “phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự”; “biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng; xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực”.[17]

Đảng Cộng sản Việt Nam - với hơn 93 năm tiên phong lãnh đạo phong trào cách mạng - và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - qua gần 80 năm ra đời và phát triển - luôn xem tiêu cực, tham nhũng là nỗi lo thường trực.

Ghi nhận những dấu ấn quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đại hội XIII của Đảng ta nhìn nhận, “tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Bởi vậy, Đảng ta xác định, “kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; trong đó, phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua của Trung ương được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Trước mắt và cấp bách, chính là tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực mà như Tổng Bí thư chỉ rõ phải theo nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. (…) Khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả”.

Với tinh thần đó, vụ án xảy ra tại Công ty AIC - một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" đã xử lý nghiêm minh. Theo bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội công bố trước hội đồng xét xử trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, 36 người đã phải nhận những mức án khác nhau trong vụ án AIC. Trong đó, 2 bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Vụ án này là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích". Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền, vì lợi ích vật chất đã thực hiện trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng; làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hóa biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt là 30 năm tù. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành lĩnh 11 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Cùng tội danh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái bị tuyên phạt 9 năm tù… Các bị cáo còn lại đã nhận bản án thích đáng.

Về lâu dài, đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nhiệm vụ này muốn giải quyết được phải bắt đầu từ “gốc” ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giữ gìn, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để giúp họ tỉnh táo, vững lòng trước những cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân, có sức tấn công, chiến đấu lại với tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực là vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài nhưng chúng ta vẫn mạnh mẽ tiến lên, quyết chiến và quyết thắng nhờ những chữ “đồng”…

Back To Top