Nhận diện được tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng như những hệ lụy tệ hại của nó gây ra đã khó khăn, việc làm rõ căn nguyên, nguồn gốc phát sinh thứ tệ nạn này càng không hề dễ dàng. Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chỉ có thể “trị” được tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - một “chứng tật” bẩm sinh của quyền lực - khi chúng ta lần tới tận gốc, vạch rõ chứng tật ấy khởi phát từ đâu, được dung dưỡng bởi “mảnh đất” nào…
Một lần nữa hãy quay trở lại với bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27-7-1963, tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Tại đây, Bác giải thích, “quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”. Người khẳng định: “Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí (…) Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị (...) Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ, do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra, do chế độ “người bóc lột người” mà ra”.[7]
Còn theo Lênin, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bị chủ nghĩa địa vị tấn công. Ở những cán bộ, đảng viên này, họ đã “đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác”.[8] Bằng một nhận xét này, vị lãnh tụ vĩ đại của những người cộng sản đã chỉ rõ bộ mặt thật của quan liêu, tham nhũng: Chỉ chăm lo cho địa vị - kèm theo những đặc quyền, đặc lợi - của riêng mình mà không đếm xỉa, quan tâm lo lắng gì đến việc chung, việc của dân của nước; chiếm đoạt lợi ích chung làm vốn liếng riêng, thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân. Người tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết: “Một thứ chủ nghĩa quan liêu như thế quả thật là hoàn toàn không nên có đối với Đảng và có hại cho Đảng”.
Thế là đã rõ: Bệnh quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, địa vị chính là một “mảnh đất” tạo “môi trường” dung dưỡng cho tham nhũng, lãng phí nảy nở, lan tràn. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.[9]
Chính bởi mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi tất nhiên không thể dung thứ cho chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa cá nhân; tuyệt đối không cho phép thói quan liêu, tệ tham nhũng, tiêu cực có “đất sống” và cơ hội lan tràn.
Như đã biết, trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Những con số trên cho thấy, tham nhũng, tiêu cực đã gây thiệt hại đối với “vốn liếng” con người, “vốn liếng” cán bộ, đảng viên của Đảng ta, Nhà nước ta nghiêm trọng đến nhường nào!
Theo đúng tinh thần Bác Hồ đã dạy “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”, việc kiên quyết xử lý kỷ luật thậm chí truy tố ra tòa một số không nhỏ những cán bộ, đảng viên vướng vào tiêu cực, tham nhũng như vậy đã có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh lớn. Đánh giá về 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.[10]
Điển hình là vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương. Ngay từ cuối tháng 12-2021, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Có thể xem đây là một vụ án điển hình về tham nhũng, tiêu cực, xảy ra từ cấp Trung ương đến tận cấp cơ sở. Vụ án xảy ra trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các trường hợp vi phạm trong vụ án là những cán bộ y tế tuyến đầu nhưng đã để xảy ra một vụ án tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn chưa từng có. Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương điều tra, xử lý vụ án, với việc khởi tố 25 vụ án, 95 bị can, đồng thời 62/63 cơ quan điều tra cấp tỉnh đã vào cuộc. Trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Theo Bộ Công an, kết quả điều tra bước đầu xác định ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit test lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo lời khai của bị can Việt, số tiền chi “hoa hồng” cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản lên đến khoảng 1.600 tỷ đồng liên quan đến vụ án. Bên cạnh đó đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây hại cho nhân dân, đất nước, đều bị xử lý thích đáng. Thực tế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và trong toàn xã hội, “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Nhờ vậy, chúng ta đã từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thế giới đã từng rút ra những định nghĩa chuẩn về tham nhũng. Ví dụ, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng ghi rằng: “Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của Nhà nước để trục lợi riêng”. Hay như Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của nước ta xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”; và “Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng”.
Định nghĩa đã rõ ràng, và như đã phân tích ở phần trên của bài viết, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu là “môi trường sống” của tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhưng, một câu hỏi nữa vẫn phải đặt ra là, trước khi ký sinh vào cái “môi trường” tệ hại kia để phát tác, thì tham nhũng, tiêu cực, lãng phí khởi phát từ “cái gốc” nào?
Trước hết, đứng trên quan điểm lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cái gốc của tham nhũng là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. “Nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao”.[11]
Theo từ điển, “suy thoái” chỉ một hiện tượng, sự vật “suy yếu và sút kém dần, có tính chất kéo dài”. Và, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là những biểu hiện suy yếu, sút kém dần, không còn “tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân”; không còn “luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân”; không còn thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Sút kém về tư tưởng chính trị, suy yếu về đạo đức, lối sống… chính là “kẽ hở” cho những thứ “cỏ dại” như thói ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa len lỏi và nảy mầm, từ đó dẫn đến quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực…
Thứ hai, từ việc vạch rõ “cái gốc” của tham nhũng, tiêu cực, cho thấy thất thoát tài sản, thiệt hại kinh tế - dù con số lớn đến bao nhiêu - cũng không so đếm được với việc để cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nguy hiểm hơn, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên dẫn đến mất kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hạ thấp lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân; từ đó, dẫn đến suy yếu và đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng, mất chế độ và sụp đổ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, “nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiền bạc, tài sản còn có thể thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả”.
Nói cách khác, chúng ta “nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực”; “ngày càng coi trọng, nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” và đặc biệt, “phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng”.[12]
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua. Nhất là việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".
Hay như việc xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước; thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Nếu qua thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Đây là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao.
Phải khẳng định rằng, những bước tiến mới về nhận thức của Đảng ta đối với tệ tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp xác định đúng phương hướng, không nhầm lẫn giữa “ngọn” và “gốc”, giữa hiện tượng và bản chất… trong cuộc đấu tranh vô cùng cam go, khốc liệt này. Từ đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng trở nên rõ ràng hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Và, chúng ta đã “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.[13]