Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hội tụ mùa thu” - Tri ân người thầy đáng kính

Nguyệt Thơ| 21/11/2013 06:48

(HNM) - Giới mỹ thuật Hà Nội đã quá quen với cái tên Phạm Viết Song bởi ông không chỉ là một họa sĩ tài năng, có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam mà còn là một nhà giáo có công đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Thủ đô.

Các họa sĩ tại triển lãm. Ảnh: Nguyên Sơn



Kể từ lớp vẽ đầu tiên mở tại Hà Nội vào năm 1955, mang tên "Xưởng họa sáng tạo", không ai thống kê chính xác trong gần nửa thế kỷ có bao nhiêu học trò đã được họa sĩ Phạm Viết Song dìu dắt. Dù thời gian học ngắn hay dài, đã thành danh hay chỉ là những họa sĩ "tay mơ" thì "Người thầy đầu tiên" vẫn ngự trị trong trái tim mỗi học trò hôm nay. Từng tác phẩm đang trưng bày tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội là lời tri ân của học trò gửi đến người thầy đã giúp họ thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật, vững bước trên con đường sáng tạo.

Ở Việt Nam hiện có khoảng 10 trường đào tạo mỹ thuật chính quy, hàng trăm thầy cô giáo dạy mỹ thuật nhưng hiếm người có được niềm hạnh phúc lớn lao như thầy Phạm Viết Song. Những ngày này, học trò của thầy, có người nay đã ở tuổi 70-80, cùng nhau tổ chức triển lãm tranh, mang những tác phẩm nghệ thuật tâm huyết kính dâng thầy. Học trò thầy Song có nhiều người sau này học các trường chuyên, rồi nổi tiếng trong làng mỹ thuật Việt Nam. Một số là hiệu trưởng các trường mỹ thuật như họa sĩ Nguyễn Thụ, Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Lê Anh Vân, Triệu Khắc Lễ, cũng có nhiều trò không học thêm trường lớp nào nhưng vẫn thành đạt nhờ công thầy truyền dạy. Đó là các họa sĩ Trường Sinh, Cơ Chu Pin, Phạm Tuấn Dũng, Nguyễn Diệp Phương…

Phạm Tuấn Dũng là họa sĩ chính của Báo Thiếu niên tiền phong, Báo Giao thông vận tải, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Quản lý kinh tế quốc gia, người đã có 5 triển lãm cá nhân ở trong và ngoài nước nhớ lại: Tôi mê vẽ từ nhỏ. Khoảng năm 1958-1959, dù học phí chỉ có 5 đồng, đã bao gồm cả màu vẽ (bột màu do thầy chuẩn bị) mà gia đình vẫn không lo được. Thấy thế thầy gọi đến, nói nhỏ: "Thôi, con cứ học đi, tiền học thầy cho miễn". Chuyện đã quá lâu mà đến khi gặp trò trong một cuộc triển lãm năm 1999, nhắc lại chuyện này, mắt thầy rơm rớm. Cùng ôn chuyện cũ, họa sĩ Nguyễn Diệp Phương, nguyên cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội cho biết, thầy Phạm Viết Song là một nhà sư phạm giỏi. Thầy đào tạo được nhiều người tài bởi có phương pháp tốt, ai có sở trường, cá tính, thích lối vẽ nào… thầy đều khuyến khích được khả năng sáng tạo của họ.

80 tác phẩm của 31 họa sĩ trưng bày trong triển lãm lần này là 80 đóa hoa rực rỡ sắc màu, đa dạng về phong cách, chất liệu, bút pháp. Nếu như Phạm Tuấn Dũng mạnh mẽ với chất liệu sơn dầu, bừng sáng một "Nụ cười", thanh thản trong "Bình yên" thì Trương Ngọc Hiên thành thục với giấy dó, tạo nên một "Sức xuân", "Hoa cửa đình". Đinh Thị Hồng Nhung say sưa với lụa và phấn màu, phác họa "Cháu nội", "Giò phong lan" tươi tắn, Nguyễn Diệp Phương tung tẩy nét vẽ khoáng hoạt, tạo không gian "Vào thu", "Nắng trưa". Lê Huy Quang mạnh mẽ với "Tam Bạc Hải Phòng - B52-1972", Phạm Viết Hồng Lam đằm thắm với "Đình làng Đông Viên", Văn Thơ khỏe khoắn trong từng nét cọ họa "Chân dung nhạc sĩ Văn Cao", Nguyễn Ngọc Mỹ dịu dàng với tình yêu Hà Nội thể hiện trong "Thiếu nữ và mùa xuân", Lê Như Hà đắm đuối với không gian cổ kính "Ngôi chùa cũ", "Chùa Cổ Loa"… Họ là những gương mặt đại diện cho hàng trăm học trò của thầy Phạm Viết Song. Mỗi người một phong cách, một triết lý, tất cả hội tụ tại 93 Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội, cùng gửi lời tri ân người thầy đáng kính.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hội tụ mùa thu” - Tri ân người thầy đáng kính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.