(HNM) - Thời gian qua, với nhiều hình thức tập hợp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… của Thủ đô. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã chứng tỏ rõ vai trò cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân.
Những dấu ấn thể hiện vai trò cầu nối này ngày càng xuất hiện rộng khắp trên địa bàn thành phố. Từ việc không ít công trình xây dựng đã buộc phải làm đúng quy định khi có sự vào cuộc của thanh tra nhân dân đến việc những người làm công tác Mặt trận vận động, tập hợp các nguồn lực để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương... Những việc làm thiết thực này đã được nhân dân tin tưởng, đồng tình hưởng ứng.
Trước yêu cầu mới của Thủ đô là thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận, thị xã Sơn Tây…, đòi hỏi vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở phải được chú trọng hơn nữa.
Trước hết, Mặt trận ở cơ sở cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát, gắn bó với dân, coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm chưa tốt...
Trong đó, Mặt trận tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Cụ thể là thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25-5-2017 của Thành ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội...
Đặc biệt, trong bối cảnh Thủ đô bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị không có HĐND phường thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc tại các phường càng quan trọng hơn. Do đó, Mặt trận cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong đó, tập trung lựa chọn những người tiêu biểu, có uy tín, hiểu biết về các lĩnh vực, đồng thời không ngại va chạm để tham gia công tác, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Cùng với đó là thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kỹ năng vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở.
Đối với những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở, cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là trong phối hợp giải quyết công việc với cấp ủy, chính quyền các cấp; không ngừng học tập nắm bắt kịp thời những chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phục vụ cho công việc; vừa tích cực tuyên truyền, vừa kiên trì lắng nghe nhân dân để thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Hà Nội đang có tốc độ phát triển nhanh, vì vậy những khó khăn, bất cập nảy sinh trong quá trình này là khó tránh. Do đó, thông qua các hoạt động, cán bộ Mặt trận ở cơ sở cần tiếp tục động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động. Qua đó tập hợp, hội tụ và phát huy các nguồn lực xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.