(HNM) - Ngày 17-11, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp”.
Ảnh: ANTĐ |
Cụ Nguyễn Duy Thì (1572-1651), quê ở xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Sinh thời, cụ từng giữ nhiều trọng trách như Công bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Thượng thư Bộ Lại; đồng thời kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có chức Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám. Là một trí thức có vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, cụ có nhiều đóng góp cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước cuối thế kỷ XVI, nửa đầu thế kỷ XVII. Bài Khải “Đạo trị nước” với tư tưởng thân dân do Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì dâng năm 1612 được các nhà khoa học đánh giá là “kim chỉ nam” cho sự ổn định lâu dài của mọi triều đại, thời đại. Ngoài quan chức triều đình, cụ Nguyễn Duy Thì còn là một nhà giáo dục, nhà văn, nhà thơ. Cụ được cử làm Giám thí của khoa Quý Sửu niên hiệu Hoằng Định 14 (năm 1613) và khoa thi Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (năm 1623)… Hiện nay, trước tác của cụ vẫn còn lại 3 bài văn bia (Đò Mát tự bi, Tĩnh Lự thiền tự bi, Bia văn chỉ huyện Lương Tài) và 2 bài thơ chữ Hán được chép trong cuốn Toàn Việt thi lục.
Với những đóng góp đó, khi mất, triều đình đã gia tặng cụ chức Thái tể, ban thụy là Hành Độ. Người dân lập đền thờ cụ tại nơi sinh ra và lớn lên (xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Với 30 tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đền thờ Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì, đưa di tích trở thành điểm học lịch sử ngoài nhà trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.