Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội

Thành Tâm - Ảnh: Bá Hoạt| 02/05/2018 08:53

(HNMO) - Sáng 2-5, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội thảo. Cùng dự có Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương và thành phố.

Quang cảnh hội thảo.


Theo dự thảo báo cáo của UBND thành phố, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (theo cách tính mới), duy trì là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước. Giá trị truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy. An sinh xã hội được bảo đảm, với 8.211 ngôi nhà cho người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa, tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hơn 4.000 hộ nghèo.

Ngay sau mở rộng địa giới, thành phố đã quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng lưới điện; sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa, tỷ lệ trường công đạt chuẩn quốc gia đến nay đã đạt 62%. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương và khu vực được đưa vào sử dụng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công... được đẩy mạnh.

Xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, như: chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị - nông thôn, cải tạo hồ nước... Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường mở rộng.

Bên cạnh đó, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, thành phố cũng chỉ ra một số hạn chế: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công chưa cao; văn hóa xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa xứng với vị thế, vai trò Thủ đô... Nguyên nhân của những hạn chế đó có cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Thời gian tới, thành phố đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp. Về kinh tế, thành phố sẽ nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018-2020 đạt hơn 7,4%/năm trở lên, GRDP năm 2020 đạt hơn 126 triệu đồng/người/năm.

Về văn hóa xã hội, thành phố sẽ quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thực sự trở thành trung tâm lớn; tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường. Thành phố tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh hoàn thiện xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô; hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai, trục hướng tâm; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng... Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu hơn 80% số xã đạt tiêu chí vào năm 2020...

Nhìn rõ những tồn tại, hạn chế để định hướng phát triển bền vững

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã đề cập đến những vấn đề cụ thể của thực tiễn khi thực hiện Nghị quyết 15 cũng như đóng góp vào nội dung báo cáo của thành phố. Các đại biểu đề nghị và mong muốn, Hà Nội tiếp tục bổ sung vào báo cáo những nội dung nêu bật quá trình thực hiện Nghị quyết, những thuận lợi, khó khăn, thách thức, kết quả đạt được trên mọi mặt công tác, nhiệm vụ. Các tham luận cũng đề nghị, thành phố nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, gắn với những định hướng phát triển bền vững trong tương lai; đề xuất, kiến nghị để có các cơ chế, chính sách nhằm tăng thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội.


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh- Bá Hoạt


Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, về cơ bản, các ý kiến tại Hội thảo đã thống nhất với dự thảo báo cáo của Hà Nội và có những đóng góp cụ thể, thiết thực. Chủ tịch UBND thành phố thay mặt lãnh đạo thành phố trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sẽ tiếp thu những đóng góp này để chỉ đạo cơ quan soạn thảo báo cáo tiếp tục hoàn chỉnh.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo báo cáo làm rõ luận cứ để đánh giá kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội; nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, các kiến nghị phải bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch của trung ương, các bộ, ngành đề ra; nêu bật được trách nhiệm của thành phố trong chỉ đạo, triển khai nội dung Nghị quyết 15. 

Báo cáo cũng cần thể hiện rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Về phương hướng thời gian tới, báo cáo cần khẳng định mục tiêu xây dựng và bảo vệ Thủ đô với vai trò là đầu não chính trị, kinh tế, xã hội. Báo cáo cần xác định rõ một số mục tiêu: Coi trọng phát triển văn hóa; xây dựng trung tâm khởi nghiệp; xây dựng thành phố thông minh; trong phát triển kinh tế cần nhấn mạnh cơ cấu ngành dịch vụ, bổ sung nội dung đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn; xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả; xây dựng chính quyền đô thị; xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng...

Về những kiến nghị với trung ương, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị để Chính phủ đề xuất trước Quốc hội giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 và 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, trên cơ sở đó ghi nhận, đánh giá và xây dựng những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hà Nội phát triển. Chủ tịch UBND thành phố mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của lãnh đạo trung ương, các bộ, ngành để Hà Nội hoàn thiện báo cáo, nhìn rõ được những tồn tại, hạn chế, qua đó định hướng khắc phục, xây dựng Hà Nội phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.