Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo “Biển Đông: Những tác động về an ninh và kinh tế”

HNM| 25/02/2016 06:52

(HNM) - Sáng 24-2, hội thảo


Hội thảo này do Viện ML Sondhi về các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương (MLSIAPA), Quỹ Hàng hải quốc gia (NMF) và Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc (CCAS) phối hợp tổ chức. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành tham dự. Cuộc hội thảo chia làm hai phiên thảo luận về chủ đề "Các chính sách của Ấn Độ đối với Biển Đông" và "Động lực an ninh khu vực" đã thu hút được sự tham dự của đông đảo học giả có uy tín ở Ấn Độ và đại diện ngoại giao đoàn từ các nước như Nga, Nhật Bản, Australia và Singapore.

Phát biểu khai mạc, cựu Bí thư đối ngoại Ấn Độ Kanwal Sibal nhấn mạnh, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, mối đe dọa đối với an ninh hàng hải, nhất là ở Biển Đông, sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu… Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành khẳng định: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông là của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định
chủ quyền ở khu vực này.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với những quần đảo này; đồng thời, sẵn sàng hợp tác với các bên có tuyên bố chủ quyền để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Đại sứ kêu gọi tất cả các bên giữ nguyên trạng, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, kiềm chế, tránh làm căng thẳng thêm tình hình ở khu vực này. Các bên cần phải nghiêm túc và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông.

Đại sứ Tôn Sinh Thành tuyên bố Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam quyết tâm bảo vệ quyền và duy trì các hoạt động thường xuyên tại vùng lãnh hải chủ quyền, tiếp tục hợp tác với các nước khác, trong đó có Ấn Độ, để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đại sứ cũng bày tỏ quan ngại về tình hình, diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông đang đe dọa tới hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Tại cuộc hội thảo, nhiều học giả Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại đối với các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi tìm kiếm các giải pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực.

l Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn độc quyền trên Kênh truyền hình Channel NewsAsia phát sóng ngày 23-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định hiện có những khu vực căng thẳng thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông với đánh giá thẳng thừng rằng "Trung Quốc đang dùng đến cách làm cũ" để khẳng định vị thế của mình, bất chấp luật pháp và quy định quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Tổng thống Mỹ cho hay, không muốn "đưa ra giả thuyết về việc gây chiến với Trung Quốc" trên Biển Đông, song nhấn mạnh Bắc Kinh nên dừng hành động đơn phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Biển Đông: Những tác động về an ninh và kinh tế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.