Sức khỏe

Hồi phục sức khỏe nhanh sau khi ốm

Phương Thu 20/01/2024 - 08:46

Thời tiết thay đổi thất thường, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vừa qua “đỉnh”, nhiều người trong thời gian ngắn vừa mắc sốt xuất huyết chưa kịp hồi phục sức khỏe lại lây cúm A, sốt virus, mắc Covid-19... Những dịch bệnh này tấn công cơ thể cùng một lúc khiến sức khỏe giảm sút, chân tay mỏi mệt, miệng đắng chán ăn, tinh thần không minh mẫn.

12-1.jpg
Một trong những cách phục hồi sức khỏe nhanh và hiệu quả nhất là tăng cường rau củ vào thực đơn ăn uống hằng ngày.

“Bệnh chồng bệnh” khi thời tiết lạnh ẩm

Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh này xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông xuân. Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, dịch sốt xuất huyết vừa hạ nhiệt thì số ca mắc cúm A tại Hà Nội lại tăng mạnh.

Mùa đông với thời tiết lạnh ẩm, thay đổi thất thường, kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây các bệnh cúm mùa, viêm đường hô hấp, tiêu chảy cũng như nhiều bệnh khác phát triển và lây lan mạnh.

Trong các bệnh đường hô hấp, không chỉ có cúm mà còn nhiều tác nhân khác gây bệnh như vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib, virus hợp bào... Do vậy, nguy cơ mắc phối hợp các loại virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp là có thể xảy ra cùng với sốt xuất huyết. Đối tượng trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém, người bệnh mạn tính như suy tim, suy thận, đái tháo đường, phụ nữ mang thai... rất dễ mắc các dịch bệnh trên và có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Đáng lo ngại, nhiều bệnh nhân có thể vừa mắc cúm, vừa sốt xuất huyết, tuy hiếm gặp nhưng nếu bị thì sẽ nguy hiểm hơn. Triệu chứng cả sốt xuất huyết và cúm đều có sốt, mệt mỏi, đau nhức xương khớp nên có thể khó chẩn đoán phân biệt.

Chị Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Cả tháng nay, gia đình tôi đều “chạy xô” trong bệnh viện. Bởi hai tuần trước, chồng và con gái tôi vừa khỏi sốt xuất huyết thì bất ngờ con tôi lại sốt cao 40oC, dùng thuốc hạ sốt vẫn không cắt cơn được chút nào, kèm theo đó là tình trạng viêm họng, ngạt mũi. Lo lắng sức khỏe của con, tôi đưa cháu đến bệnh viện mới phát hiện bị cúm A”.

Khi bị sốt xuất huyết, dù bệnh nhẹ nhưng con chị Hương vẫn phải nằm viện theo dõi vài ngày, sau khi xuất viện, cháu ăn uống kém, sụt cân, cơ thể chưa hồi phục thì lại bị cúm A. “Có lẽ bởi hai vợ chồng thay nhau chăm sóc con ở trong bệnh viện rất mệt mỏi, nên đến khi con khỏi lại đến lượt người lớn trong nhà thành bệnh nhân vì lây cúm A từ con” - chị Hương cho biết.

Nhiều gia đình cũng như gia đình chị Hương, ban đầu chủ quan nghĩ cúm A giống như các loại cảm cúm thông thường, nhưng những ngày đầu có triệu chứng sốt sau đó người mệt lả, khó thở. Cộng thêm cơ thể mệt mỏi chưa hồi phục vì “bệnh chồng bệnh” khiến toàn thân mệt lả như bị “trời hành”. Cùng cảnh “chạy xô” ở bệnh viện như gia đình chị Hương, nhiều bậc phụ huynh tháng trước đưa con vào viện vì sốt virus thì hai, ba tuần sau lại nhập viện vì cúm A, cúm B, sốt xuất huyết.

“Phương thuốc” thiết yếu để hồi phục sức khỏe

Theo bác sĩ Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Xét nghiệm Medlatec, triệu chứng đặc trưng của cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm.

Chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm bệnh để làm giảm việc sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng virus. Đồng thời, khi chẩn đoán kịp thời, bệnh nhân được cách ly và điều trị sẽ hạn chế biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng.

Để hồi phục sức khỏe sau khi ra viện, bệnh nhân rất cần một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng suy nhược. Nếu muốn ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, uể oải, người dân nên bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein và vitamin B12, cụ thể là các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, gà hoặc cá... Mặc dù sau những trận ốm, cơ thể thường có cảm giác chán ăn nhưng bệnh nhân cần chịu khó ăn uống đầy đủ, đều đặn để duy trì sức lực.

Một trong những cách phục hồi sức khỏe nhanh nhất, hiệu quả nhất là tăng cường rau củ vào thực đơn ăn uống hằng ngày. Để tạo ra năng lượng, cơ thể chúng ta cần được bổ sung đủ vitamin, khoáng chất, đặc biệt dinh dưỡng này thường được tìm thấy trong rau củ, hoa quả.

Ngoài ra, cách phục hồi sức khỏe nhanh nhất đó là cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nếu rơi vào tình trạng mất ngủ sau khi khỏi ốm, chúng ta có thể dành khoảng 5 - 10 phút trước khi đi ngủ để thư giãn, tập hít thở sâu hoặc tập thiền. Việc duy trì thói quen trên khiến cho tinh thần vui vẻ, thoải mái hơn, mọi căng thẳng, mệt mỏi đều được xua tan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi phục sức khỏe nhanh sau khi ốm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.