Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ: Định hình trật tự mới ở châu Á

29/10/2018 20:32

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiều 29-10 đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhật Bản-Ấn Độ lần thứ 13...


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại tỉnh Yamanashi. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Trước cuộc hội đàm chính thức tại Tokyo, việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ tại dinh thự riêng của ông ở tỉnh Yamanashi, phía Tây thủ đô Tokyo, cho thấy mối quan hệ đặc biệt và sự trọng thị giữa hai nhà lãnh đạo.

Đây là lần đầu tiên ông Abe mời một nhà lãnh đạo chính trị nước ngoài đến khu nghỉ dưỡng của ông ở làng Narusawa dưới chân núi Phú Sĩ.

Cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần này đã tạo cơ hội để hai nước thực hiện mục tiêu tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại cho tương xứng với quan hệ giữa hai nước lớn của châu Á.

Ấn Độ hiện là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản chiếm 8% tổng lượng FDI của Ấn Độ, trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba ở nước này.

Trong những năm gần đây, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã khuyến khích Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, vốn vẫn còn lạc hậu do thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng.

Nhật Bản hiện đang tham gia thực hiện một số dự án quan trọng như xây dựng đường cao tốc, điện, nước thải, quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đã thành lập một cơ quan điều phối để tăng cường việc thực hiện hiệu quả các dự án khác nhau.

Tại cuộc gặp lần này, Thủ tướng Abe cam kết cung cấp một khoản vay trị giá 316,4 tỷ yên (khoảng 2,8 tỷ USD) với lãi suất ưu đãi giúp Ấn Độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, trong đó có dự án đường sắt cao tốc sử dụng công nghệ tàu siêu tốc shinkansen của Nhật Bản từ Mumbai đến Ahmedabad ở miền Tây Ấn Độ.

Cũng để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy một loạt dự án phát triển hạ tầng cơ sở tại những bang kém phát triển ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ giáp biên giới với Myanmar và Bangladesh.


(Nguồn: Reuters)


Ngoài ra, tại cuộc gặp lần này, lãnh đạo hai nước tiếp tục thúc đẩy sáng kiến của Nhật Bản về hình thành tuyến Hành lang tăng trưởng Á-Phi nhằm cải thiện kết nối kinh tế và cơ sở hạ tầng ở cả hai châu lục và đây có thể là dự án cung cấp giải pháp thay thế cho sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.

Đáng chú ý trong cuộc hội đàm lần này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về Hiệp định hỗ trợ quân nhu (ACSA), cho phép quân đội hai nước cung cấp, chia sẻ cho nhau thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược, hợp tác hỗ trợ hậu cần, y tế trong các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí nâng cấp Đối thoại an ninh và ngoại giao "2+2" từ cấp thứ trưởng lên cấp bộ trưởng.

Trong bối cảnh tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông diễn biến phức tạp, hai bên đều cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển rộng mở, đồng thời tuyên bố sẽ cùng với Mỹ và Australia thực hiện một số bước đi cụ thể để bảo vệ an ninh hàng hải khi cả hai đều phụ thuộc vào thương mại biển.

Với những kết quả đạt được lần này, quan hệ đối tác đặc biệt và toàn cầu Nhật Bản- Ấn Độ lại có thêm những bước tiến mạnh mẽ. Nếu hơn 10 năm trước, mối quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản chủ yếu chỉ giới hạn trong các cam kết kinh tế như nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và thương mại, thì hiện nay, mối quan hệ đó đã đa dạng hơn và đan xen nhiều lợi ích, bao gồm an ninh khu vực và toàn cầu, chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh hàng hải, hợp tác về năng lượng, biến đổi khí hậu và cải tổ Liên hợp quốc.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng sự phát triển quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản là hoàn toàn tự nhiên và tất yếu. Điển hình là sự kết hợp mạnh mẽ giữa chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi và chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do” của Thủ tướng Abe.

Sự hiểu biết lẫn nhau về lợi ích quốc gia và ngoại giao càng được cải thiện rõ rệt, trong khi sự hội tụ chiến lược cũng như điểm tương đồng về quan điểm có xu hướng gia tăng và tạo ra cơ hội chưa từng có cho một mối quan hệ đối tác gần gũi hơn.

Hai nước chia sẻ nhiều mối quan tâm và lợi ích chung ở khu vực trong bối cảnh Ấn Độ và Nhật Bản đều kỳ vọng trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ cuộc cải tổ tổ chức này.

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong vòng một thập kỷ tới, cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản rõ ràng đều mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để đảm bảo rằng một sự thay đổi lớn như vậy, khi xảy ra, sẽ không làm mất cân bằng quyền lực trong khu vực.

Là hai nước lớn có vai trò quan trọng ở khu vực, Ấn Độ và Nhật Bản muốn đóng góp vào sự phát triển của một trật tự khu vực mới, mở cửa, đa cực, dựa trên luật pháp và không có sự thống trị của bất kỳ một quốc gia đơn phương nào.

Có thể thấy hợp tác giữa hai nước đã trở thành một thành tố quan trọng đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước không đơn giản chỉ là tìm cách khôi phục vị thế quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và chính sách đối ngoại. Nó còn báo trước sự thay đổi ở châu Á, xuất phát từ thế cân bằng quyền lực được tạo ra từ các không gian chiến lược trong khu vực.

Thời gian tới, quan hệ giữa New Delhi và Tokyo được đánh giá là sẽ còn tiếp tục tiến xa hơn nữa. Hướng đi của Ấn Độ và Nhật Bản là hợp tác để thể hiện sao cho xứng đáng với vị thế những nước lớn trong khu vực, đảm bảo sự hài hòa, cân bằng về lợi ích giữa các bên, nhưng vẫn sở hữu những "quyền lực mềm" nhằm kiểm soát mọi diễn biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ: Định hình trật tự mới ở châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.