(HNM) - Sau Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, Nga đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia châu Phi tại thành phố Sochi của nước này dưới sự chủ trì của Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Sự kiện chính thức đánh dấu sự trở lại của xứ sở Bạch dương tại Lục địa đen khi hai bên đã thảo luận sâu rộng các vấn đề từ chính trị đến những dự án kinh tế trị giá hàng tỷ USD nhằm hướng tới hàng loạt chương trình hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mátxcơva đang đứng trước sự cạnh tranh với nhiều nước lớn tại châu lục này.
Trong nhiều năm qua, châu Phi luôn là mục tiêu của cuộc đua nâng tầm ảnh hưởng địa chiến lược giữa nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, Trung Quốc vẫn là nước đang có sự hiện diện mạnh mẽ nhất ở châu lục với kim ngạch thương mại hằng năm đạt 200 tỷ USD. Sau gần 3 thập niên nhường lại “sân chơi” đầy tiềm năng này, nước Nga trong nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của nhà lãnh đạo V.Putin đã quay lại châu Phi trên nền tảng xây dựng các lợi ích chung. Mátxcơva nhìn nhận khu vực này có rất nhiều tiềm năng phát triển và mong muốn hợp tác bình đẳng với các nước châu Phi mà không đòi hỏi trao đổi điều kiện chính trị hay các điều kiện “đặc biệt” khác.
Nổi bật trong số những lĩnh vực hợp tác giữa Nga và châu Phi phải kể đến kinh tế và quân sự. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 là 20 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2010 và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD vào năm 2023. Hiện tại, Nga đang đề xuất các dự án xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên châu Phi, đồng thời tập trung vào lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản và nắm giữ các khoản đầu tư quan trọng trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, hạt nhân. Về quân sự, trong 4 năm qua, Nga đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự với các đối tác tại Lục địa đen. Xu hướng này cũng đang ngày càng gia tăng trước bối cảnh xung đột, bạo lực của các nhóm cực đoan diễn biến phức tạp trong những năm gần đây tại châu lục, nhất là Đông Phi và Tây Phi. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi với 35% thị phần trên toàn châu lục…
Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi được cho là kết quả của những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua nhằm đưa sự hiện diện của Nga trở nên đậm nét hơn tại khu vực. Phát biểu tại phiên toàn thể hội nghị, Tổng thống V.Putin bày tỏ tin tưởng kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 đến 5 năm tới. Nhà lãnh đạo xứ sở Bạch dương cũng thông báo kế hoạch mở rộng mạng lưới các văn phòng kinh doanh ở Lục địa đen, cũng như thiết lập các văn phòng liên lạc mới nhằm hỗ trợ hoạt động giao thương.
Đặc biệt, ông chủ Điện Kremlin cho biết, Nga muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Phi nhằm duy trì lợi ích kinh tế chung và bảo vệ lục địa này khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương bằng cách giảm ưu thế của đồng USD và chuyển sang các loại tiền tệ khác trong giao dịch. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời công bố Mátxcơva xóa nợ với tổng số tiền lên tới hơn 20 tỷ USD cho các nước châu Phi. Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập A.El-Sisi cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nga và quốc tế tăng cường đầu tư vào châu Phi và nhấn mạnh đây là thời điểm lý tưởng để mở rộng hoạt động kinh tế tại châu lục.
Tổng thống V.Putin đã gọi Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi là “sự kiện cột mốc và chưa từng có tiền lệ”. Hoạt động này cũng giúp khẳng định một trọng tâm ngoại giao mới của Mátxcơva khi Lục địa đen đang trở thành mục tiêu quan trọng trên con đường khôi phục ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.