(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 44, diễn ra tại TP Québec (Canada) trở thành một trong những tâm điểm quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 là cơ hội để các nhà lãnh đạo tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề cùng quan tâm. |
Như thường lệ, đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo cùng nhau tìm kiếm sự đồng thuận trong ứng phó với những thách thức chung toàn cầu, định hình xu hướng phát triển mới của thế giới và đạt được tiến bộ cho các mục tiêu chung. Với tư cách Chủ tịch G7 năm nay, Canada đã đề ra 5 ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị, gồm: Đầu tư vào tăng trưởng có lợi; Chuẩn bị cho việc làm trong tương lai; Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Cùng hành động trong các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch; Xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn.
Song, các vấn đề nóng của G7 đã phần nào phải nhường chỗ cho một chủ đề đang được quan tâm hơn liên quan đến những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian gần đây, đặc biệt là quyết định áp mức thuế nhập khẩu nhôm và thép mới đối với nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận như Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu (EU).
Ngoài ra, những bất đồng giữa Mỹ và các thành viên còn lại của G7 liên quan tới số phận của thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5 + 1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vấn đề chống biến đổi khí hậu... cũng phủ bóng lên các cuộc thảo luận. Dù vẫn kỳ vọng vào một tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về việc các bên khó lòng tìm được tiếng nói chung giữa những cách biệt lớn về quan điểm.
Trên cương vị nhà lãnh đạo của nước Chủ tịch luân phiên G7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị. Tại các cuộc gặp, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì hợp tác, đặc biệt trong các vấn đề an ninh và hòa bình thế giới, trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có những chuyển biến tích cực. Trước những căng thẳng thương mại gần đây, hầu hết các nước G7 tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với trật tự đa phương dựa trên luật pháp, ủng hộ thương mại mở và tiến bộ, tăng cường đầu tư, hợp tác sáng tạo cùng việc duy trì thương mại tự do...
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, ngoài lãnh đạo từ 7 nước thành viên, còn có đại diện một số quốc gia khách mời là Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi... và tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban Châu Âu (EC)...
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần thứ 2 tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được nhận định là dấu ấn quan trọng trong nỗ lực ngoại giao đa phương của Việt Nam, khẳng định vị thế ngày càng tăng của đất nước, cho thấy sự cam kết và hỗ trợ thiết thực trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, duy trì tự do thương mại; đồng thời là cơ hội quý báu để Việt Nam tăng cường hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong nhiều vấn đề quan trọng.
Là những quốc gia phát triển nhất thế giới, các hội nghị của G7 luôn được đặc biệt quan tâm vì những vấn đề được nêu ra thảo luận và cam kết chính là thông điệp rõ ràng, phản ánh quan điểm của các cường quốc cũng như tương lai các mối quan hệ toàn cầu. Dù còn bất đồng nhưng đây vẫn là kênh đối thoại, hợp tác hiệu quả và quan trọng, hướng tới mục tiêu bảo đảm sự ổn định của môi trường an ninh, thương mại toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.