Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị thượng đỉnh G7: Dày đặc hồ sơ nóng

Quỳnh Dương| 09/06/2015 06:31

(HNM) - Trong hai ngày 7, 8-6, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt nhiều vấn đề như bất ổn Trung Đông cùng với tốc độ mở rộng


Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt nhiều vấn đề như bất ổn Trung Đông cùng với tốc độ mở rộng địa bàn kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đàm phán về chương trình hạt nhân Iran hay "sức nóng" gia tăng tại Biển Đông, biển Hoa Đông..., các nhà lãnh đạo G7 bước vào hội nghị với một chương trình nghị sự dày đặc.

Các nhà lãnh đạo G7 bàn thảo nhiều chủ đề nóng của thế giới.



Tuy nhiên, chủ đề "đốt nóng" lâu đài Elmau lần này vẫn lại là tình hình tại Ukraine. Điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán vì cuộc xung đột quy mô lớn bất ngờ bùng phát ở miền Đông Ukraine cách đây 1 tuần. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi giải pháp mà các nhà lãnh đạo G7 đưa ra cho vấn đề này là tăng cường hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra lo ngại, những động thái cứng rắn mới đối với Mátxcơva sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục leo thang nghiêm trọng khi có thể kích động Nga "ra đòn" trả đũa.

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga đã kéo dài cả năm qua, khiến hai bên đều chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Lập luận của phương Tây đối với Nga dựa trên giả định rằng việc liên tiếp gây áp lực trên mọi mặt trận, ở mọi cấp độ, sẽ khiến xứ sở Bạch dương phải đối mặt tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng. Điều này dẫn tới người dân Nga, đặc biệt là giới doanh nhân và chính khách quyền lực của Nga, quay ra chống lại điện Kremlin. Vì thế, Tổng thống Vladimir Putin khó có thể thể chống chọi được với sức ép và sự phản đối ngày một tăng lên từ phía các khu vực thành thị giàu có và tầng lớp trung lưu đang phất lên rất nhanh ở nước này. Tuy nhiên, việc gây sức ép lên nước Nga chẳng những không gây phương hại được chính quyền của Tổng thống V.Putin mà ngược lại còn tăng cường sự đoàn kết, ủng hộ của người dân Nga đối với nhà lãnh đạo của họ. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, người Nga tin rằng, sức ép và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng không phải nhằm vào Điện Kremlin mà là nhằm chính vào nước Nga và công dân Nga. Kết quả, có đến gần 70% người dân Nga ủng hộ chính sách của điện Kremlin ở Ukraine. Như vậy, trái với tính toán của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), các biện pháp răn đe đã không thể khiến chính quyền của Tổng thống V.Putin lùi bước trên "bàn cờ" địa chính trị bên bờ Biển Đen mà chỉ nới rộng thêm hố ngăn cách quan hệ Nga - phương Tây.

Một chủ đề khác bao phủ chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 là cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Bế tắc trong cuộc đàm phán giữa Athens và các chủ nợ đang có nguy cơ đẩy xứ sở các vị thần ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và gây ra những hệ lụy khó lường đối với nền kinh tế thế giới vốn đang trong thời kỳ dễ bị tổn thương. Hiện tại, hầu như mọi quan chức cấp cao của Châu Âu đều đang tỏ ra rất cứng rắn với Hy Lạp và ngày càng nhiều người đề cập công khai đến việc để nước này vỡ nợ. Trong G7, có đến 4 nước Châu Âu, đặc biệt là nước chủ nhà Đức, tỏ ra cứng rắn với Hy Lạp. Có thể, cơ hội cuối cùng dành cho Athens sẽ nằm trong cuộc gặp gỡ ít giờ tới giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các đại diện của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thảo luận nhiều vấn đề gai góc của nhóm cũng như toàn thế giới nhưng Hội nghị Thượng đỉnh G7 không được kỳ vọng sẽ có thể đưa ra giải pháp đối với tất cả mối quan ngại. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ của lãnh đạo 7 nền kinh tế hùng mạnh nhất đã cho thấy những lập trường và gửi đi thông điệp về các hồ sơ nóng bỏng nhất. Trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới đang chồng chất bất ổn, không thể phủ nhận rằng cuộc gặp ở lâu đài Elmau là một sự kiện được mong chờ bởi tầm quan trọng và vai trò chưa thể thay thế của G7 trong các vấn đề toàn cầu.

G7 mạnh mẽ phản đối Trung Quốc xây đảo trái phép ở Biển Đông
Theo Kyodo, lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã "mạnh mẽ phản đối" hoạt động xây dựng đảo quy mô lớn trái phép tại Biển Đông như một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Bên cạnh đó, các lãnh đạo G7 khẳng định Bắc Kinh cần làm sáng tỏ cơ sở của những tuyên bố chủ quyền căn cứ vào luật pháp quốc tế chứ không phải bằng biện pháp đe dọa hay sử dụng vũ lực và cưỡng ép.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh G7: Dày đặc hồ sơ nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.