Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Chung tay ứng phó thách thức

Hoàng Linh| 22/02/2021 06:56

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ngày 19-2 đã thành công tốt đẹp dưới sự chủ trì của nước Anh, trong vai trò Chủ tịch luân phiên. Sự kiện này được xem là cơ hội để các nước phương Tây xích lại gần nhau, nỗ lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên như: Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, các rào cản thương mại...

Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 kể từ tháng 4-2020. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ, một trong những mục tiêu của G7 là xây dựng lại thế giới xanh hơn sau đại dịch Covid-19. Thông qua G7, London cũng muốn thúc đẩy “Kế hoạch 5 điểm” nhằm xây dựng một loạt cơ chế và hiệp định toàn cầu về hợp tác chống đại dịch, trong đó có thiết lập mạng lưới nghiên cứu sinh học, chia sẻ thông tin, cảnh báo sớm. Chương trình nghị sự của hội nghị cũng dành ưu tiên lớn cho đẩy mạnh hợp tác quốc tế chống đại dịch, thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu, gỡ bỏ các rào cản thương mại. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng bàn về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một số xung đột lớn trên thế giới, quan hệ với Nga, Trung Quốc...

Qua các cuộc thảo luận, lãnh đạo G7 nhất trí cao trong nhiều vấn đề, đặc biệt là về ứng phó dịch Covid-19. Trong tuyên bố chung, các nước cam kết tăng cường hợp tác về vấn đề này, trong đó sẽ tăng thêm 4 tỷ USD hỗ trợ Chương trình Hợp tác tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A) và Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX). G7 cũng nhất trí sẽ làm việc với các đối tác nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển với các loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt thông qua COVAX.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ WHO; ủng hộ tất cả các trụ cột của ACT-A, COVAX và quyền tiếp cận công bằng, hợp lý đối với vắc xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán… G7 cũng nhất trí phối hợp cùng nhau để biến năm 2021 thành bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương, đồng thời định hình cho sự phục hồi nhằm thúc đẩy sức khỏe, sự thịnh vượng cho con người và cả hành tinh.

Đáng chú ý, hội nghị lần này đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sự xuất hiện của người đứng đầu nước Mỹ được giới phân tích đánh giá là cơ hội để phương Tây xích lại gần nhau sau những bất đồng thời gian qua. Điều này thể hiện khi Thủ tướng Anh đã hoan nghênh “sự trở lại đáng kinh ngạc của Mỹ”, bày tỏ kỳ vọng Washington sẽ sát cánh cùng các nước G7 giải quyết các vấn đề khó khăn nhất trên thế giới.

Thực tế, từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ J.Biden đã gửi đi thông điệp rõ ràng, đó là chính quyền mới sẽ chấm dứt 4 năm biệt lập, từ bỏ các cam kết quốc tế và tạo ra quá nhiều mâu thuẫn với các đồng minh trước đây. Sự trở lại của Mỹ sau một thời gian dài vắng bóng trong các hoạt động của G7 sẽ là động lực lớn cho các nỗ lực vượt khó, bởi Mỹ vẫn là quốc gia có tiềm lực kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới. Việc xứ Cờ hoa đẩy mạnh hợp tác thay vì biệt lập cũng sẽ giúp thế giới tháo gỡ được rất nhiều rào cản, trong đó có việc củng cố mối quan hệ giữa G7 với Trung Quốc - động lực tăng trưởng chính của thế giới trong một năm đầy khó khăn vừa qua. Xử lý khéo léo các mâu thuẫn và vướng mắc giữa hai bên sẽ giúp nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của thế giới tránh được đổ vỡ khi đang trên đà phục hồi.

Qua hội nghị lần này, có thể thấy G7 đã sẵn sàng quay lại đảm nhận vai trò dẫn dắt, ứng phó các vấn đề nổi lên trên trường quốc tế sau một thời gian dài bất lực. Đây là bước ngoặt quan trọng trong hơn 1 năm qua - khi hầu hết các quốc gia đều bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh G7: Chung tay ứng phó thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.