(HNM) - Vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris (Pháp) cuối tuần qua đã phủ bóng đen lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi) diễn ra tại thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) trong 2 ngày 15, 16-11.
Vì vậy, cuộc chiến chống khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã thay thế các vấn đề kinh tế để trở thành tâm điểm của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 10 này. Đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới gửi đi một thông điệp đoàn kết trước các cuộc tấn công đẫm máu ở đất nước Hình lục lăng.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ. |
Trong bối cảnh mối quan ngại trước sự đe dọa của tổ chức IS ngày càng tăng, lãnh đạo 20 nền kinh tế giàu nhất thế giới có thêm một trọng trách nữa là xây dựng một mặt trận chung chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, dù vẫn còn bất đồng trong nhiều hồ sơ quốc tế. Nói cách khác, sức ép tìm được sự đồng thuận trong cuộc chiến chống khủng bố đặt ra trong hội nghị lần này là rất lớn khi cuộc chiến chống lại IS giờ đây không còn giới hạn trong phạm vi các nước Syria và Iraq. Ngay trong phiên họp ngày đầu tiên, lãnh đạo 20 nước đã tập trung bàn thảo các nội dung liên quan tới vấn đề nghiêm trọng này và thể hiện quyết tâm hợp tác qua một dự thảo nêu rõ sự "quan ngại về làn sóng các tay súng khủng bố nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ và mối đe dọa mà chúng tạo ra với tất cả các quốc gia". G20 cũng khẳng định quyết tâm đối phó với kẻ thù chung của nhân loại. Trong dự thảo tuyên bố, các nhà lãnh đạo G20 còn khẳng định sẽ chia sẻ thông tin tình báo, theo dõi các cửa khẩu biên giới và tăng cường an ninh hàng không để ngăn chặn "bọn khủng bố" di chuyển từ nước này sang nước khác; quyết tâm chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan, chiêu mộ tay súng và ngăn ngừa những kẻ khủng bố sử dụng công nghệ, trong đó có internet, vốn là công cụ để trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên truyền và khuyến khích các tư tưởng thánh chiến. Tuy nhiên, sự đồng thuận qua một dự thảo đang phải đối mặt với nhiều thách thức thực tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
Việc phát hiện một hộ chiếu Syria gần thi thể một trong những kẻ tấn công khủng bố ở Paris đã một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại một số kẻ tấn công có thể đã vào Châu Âu bằng cách xâm nhập vào dòng người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria. Nhà chức trách Hy Lạp và Serbia xác nhận, hộ chiếu vừa nêu thuộc một người đàn ông tị nạn hồi tháng 10 trên đảo Leros của Hy Lạp và vài ngày sau xin tị nạn tại Serbia. Điều này cần điều tra và khẳng định từ các cơ quan chức năng nhưng rõ ràng, "di cư" và "khủng bố" đang đặt ra thách thức kép đối với Châu Âu. Lãnh đạo châu lục từng tính đến sự nguy hiểm rằng trong dòng người di cư đó, có không ít những kẻ cực đoan trà trộn để tiến hành các vụ khủng bố đẫm máu tại Lục địa già. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, sự bất đồng của các cường quốc về cuộc chiến tại Syria sau hơn 4 năm bùng phát, cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người là một nguyên nhân trực tiếp tạo cơ hội cho những kẻ thánh chiến cực đoan phát triển. Nhưng tiến trình đi tới một Syria thống nhất đang vấp phải trắc trở bởi sự khác biệt giữa phương Tây và Nga về tương lai của Tổng thông Syria Bashar Al-Assad. Trong khi phương Tây dứt khoát không muốn ông Al-Assad nắm giữ vai trò gì trong đời sống chính trị của Syria trong tương lai thì Nga nhất quyết rằng nhà lãnh đạo đương nhiệm của Syria phải có tiếng nói.
Dẫu vậy, phương Tây và Mỹ đã có dấu hiệu "xuôi" theo cách tiếp cận của Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi đối thoại với Tổng thống Al-Assad để tìm giải pháp hòa bình cho Syria. Còn Thủ tướng Anh David Cameron và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuy vẫn phản đối ông Al-Assad nhưng không đòi hỏi ông này phải từ chức ngay. Quan trọng hơn, trong cuộc gặp kéo dài khoảng 35 phút bên lề Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga V.Putin đã nhất trí cần có các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ và để giải quyết cuộc nội chiến Syria kéo dài hơn 5 năm qua. Hai bên thống nhất cần có tiến trình chuyển giao quyền lực chính trị do người Syria làm chủ và dẫn dắt, thông qua các cuộc hòa đàm giữa chính quyền đương nhiệm và phe đối lập ở nước này với sự trung gian của LHQ. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria đang ngày càng trở nên cấp thiết sau một loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris tối 13-11 khiến 129 người thiệt mạng.
Như vậy, thế giới đều ý thức được tầm quan trọng của việc chung tay chống khủng bố. Sự cam kết của các nhà lãnh đạo G20 là lời tuyên bố mạnh mẽ về sự thống nhất ý chí và đồng lòng của thế giới trong cuộc chiến cam go và dai dẳng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.