(HNMO) - Chiều nay (9-6), tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển giai đoạn 2017-2020...
Tham dự hội nghị, về phía thành phố Hà Nội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo một số sở, ngành. Về phía tỉnh Hải Dương còn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, việc triển khai chương trình phối hợp giữa TP Hà Nội và tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2016 đã được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân 2 địa phương, thông qua đó đã huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp của Hà Nội đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hải Dương phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của 2 địa phương.
Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, hiện có 80 doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội đầu tư tại Hải Dương với 88 dự án, tổng vốn đầu tư trên 10,8 nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất, gia công cơ khí, sản xuất gạch tuynel và đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu đô thị. Riêng lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu đô thị, các doanh nghiệp Hà Nội đã đầu tư tại Hải Dương 18 dự án với tổng số vốn trên 6,5 nghìn tỷ đồng trên diện tích 850 ha. Trong đó, khu đô thị mới phía Đông (80,7 ha) và khu đô thị mới phía Tây (557,5 ha) đã góp phần định hình, tạo không gian phát triển đô thị cho thành phố Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Các doanh nghiệp Hà Nội đã tích cực kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tiêu biểu là sản phẩm vải thiều, hệ thống Hapro của Hà Nội tiêu thụ 2 nghìn tấn vải, hệ thống Fivimart tiêu thụ 30 tấn, Big C tiêu thụ 100 tấn. Với các loại nông sản khác như: Cà rốt, khoai tây, cà chua, dưa hấu, ổi, vải, na, chuối, bưởi..., hệ thống Fivimart tiêu thụ 35 tấn/tháng, Công ty An Việt tiêu thụ 2 tấn/tháng... Hai địa phương cũng tích cực phối hợp, triển khai các dự án trong lĩnh vực công nghiệp; phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư…
Tuy nhiên, lãnh đạo hai địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả hợp tác như trên còn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; một số địa phương, đơn vị còn chưa tích cực và chủ động hợp tác, chưa thường xuyên đánh giá kết quả hợp tác… Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ hai địa phương thống nhất trong giai đoạn 2017-2020 tăng cường hợp tác sâu rộng trên 7 nhóm lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến xúc tiến, thu hút đầu tư; giao thông vận tải; du lịch; công nghiệp – thương mại; nông nghiệp, văn hóa – thể thao.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết thúc hội nghị. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái, các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương mong muốn kết nối với các doanh nghiệp Hà Nội thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng đầu tư. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng…
Gợi mở một số nội dung mà hai địa phương có thể mở rộng hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội có thể hỗ trợ Hải Dương trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sỹ, nhất là trong lĩnh vực tiêu hóa và tầm soát ung thư. Với lợi thế có nhiều di tích lịch sử văn hóa, hai địa phương cần phối hợp, rà soát để xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn.
Về tiêu thụ sản phẩm nông sản, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản vừa qua, thành phố Hà Nội đã làm việc với Tập đoàn AEON Nhật Bản và thống nhất Tập đoàn AEON sẽ là đầu mối cung cấp sản phẩm nông sản của Hà Nội và khu vực cũng như cả nước vào thị trường Nhật Bản với cam kết từ nay đến năm 2020, tập đoàn sẽ tiêu thụ sản phẩm nông sản của Hà Nội đạt kim ngạch 500 triệu USD. Do đó, Hà Nội đề xuất, tới đây các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng phải họp bàn, thống nhất đầu mối, bởi nếu để từng doanh nghiệp nhỏ, lẻ đi tiếp thị thì sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, hai địa phương cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý xuất xứ hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hà Nội cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Hải Dương trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cũng như hệ thống mạng diện rộng…
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, Hải Dương là tỉnh nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bởi vậy, Hà Nội thường xuyên dõi theo và vui mừng trước sự phát triển của Hải Dương, nhất là trong việc thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, trở thành địa phương tự cân đối được ngân sách.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tiềm năng phát triển của hai địa phương còn rất lớn, nên trong thời gian tới, cần đẩy mạnh liên kết giữa Hà Nội và Hải Dương nói riêng cũng như với các địa phương trong vùng Thủ đô nói chung, từ đó khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương...
|
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương đã thống nhất định hướng hợp tác trong giai đoạn 2017-2020. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung tại Kế hoạch hợp tác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020, Biên bản hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng ký kết ngày 27-12-2016 tại Hà Nội, để làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai tỉnh, thành phố ngày càng đi vào chất lượng, hiệu quả, thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trên một số lĩnh vực.
Đáng chú ý, về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, hai địa phương tiếp tục duy trì các chuyến thăm, làm việc và tham dự các sự kiện lớn của hai tỉnh, thành phố trong thời gian tới; đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; chú trọng công tác dân vận, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng nhân lực, cán bộ, công chức, viên chức của 2 tỉnh, thành phố; trao đổi, học tập kinh nghiệm về sử dụng phần mềm tại bộ phận một cửa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện của thành phố Hà Nội, hạ tầng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Đối với lĩnh vực xúc tiến, thu hút đầu tư, Hà Nội và Hải Dương phối hợp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đầu tư các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư của 2 địa phương đến năm 2020 trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (theo quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25-01-2014 của Thủ tướng Chính phủ); một số chương trình, dự án ưu tiên vùng Đồng bằng sông Hồng (theo Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ); một số dự án ưu tiên của Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ); trao đổi kinh nghiệm giữa hai địa phương về việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, giải quyết, quản lý các thủ tục hành chính ở lĩnh vực đầu tư. Bên cạnh đó, hai bên tham khảo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; thông tin, giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương và thành phố Hà Nội; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác thanh, kiểm tra sau đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư...
Trong lĩnh vực giao thông - vận tải, tỉnh Hải Dương và thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình triển khai các dự án về phát triển hạ tầng giao thông (tuyến đường vành đai 5 của Thủ đô Hà Nội kết nối giao thông và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của 8 tỉnh khu vực Bắc bộ). Trên cơ sở các tuyến kết nối vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và vận tải hành khách công cộng theo các tuyến cố định hiện nay giữa Hà Nội và Hải Dương, hai bên tiếp tục phát triển số lượng phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân.
Đối với lĩnh vực du lịch, Hà Nội và Hải Dương tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý du lịch; liên kết hoạt động lữ hành; xây dựng sản phẩm và hệ thống tuyến điểm du lịch chung, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Dương đã được xác định trong Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020; nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch “Hai địa phương - một điểm đến” với tư cách là một “cụm” du lịch thuộc du lịch vùng đồng bằng sông Hồng; khuyến khích các nhà đầu tư Hà Nội tìm hiểu, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch tại Hải Dương; xây dựng một số dự án tiền khả thi về nâng cấp hạ tầng du lịch tại những địa điểm du lịch trên địa bàn Hải Dương và Hà Nội mà hai bên cùng quan tâm, trình Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch hỗ trợ như một phần thực hiện chiến lược phát triển địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia là Trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận.
Trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại, hai bên giới thiệu, kết nối doanh nghiệp hai địa phương qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư phát triển các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh; giới thiệu các sản phẩm nông sản của Hải Dương đạt tiêu chuẩn về ATTP làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm tại Hà Nội; tổ chức cho các cơ sở làng nghề tham quan, học tập kinh nghiệm... Tỉnh Hải Dương cũng sẽ tổ chức, giới thiệu các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà phân phối, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, điện máy, cơ khí chế tạo của thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối của Hà Nội có uy tín để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương. Cùng với đó, Hà Nội ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương tham gia và hưởng mức hỗ trợ tối đa các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ sản phẩm có lợi thế của tỉnh Hải Dương được tiếp cận, quảng bá tới người tiêu dùng Thủ đô.
Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và thành phố Hà Nội khuyến khích và tạo điều kiện để các ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác. Mỗi địa phương phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng thảo luận, thống nhất chương trình, cụ thể hóa nội dung hợp tác.
Hai địa phương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hai tỉnh, thành phố là cơ quan thường trực, đầu mối phối hợp chung các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hợp tác; định kỳ báo cáo kết quả với Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương, Thường trực Thành ủy Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.